"Các quan chức đang xem xét rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến TikTok, WeChat và các ứng dụng khác có khả năng tương tự, đặc biệt là vấn đề thu thập thông tin công dân Mỹ", Mark Meadows, chánh văn phòng Nhà Trắng, cho biết. "Tôi không nghĩ rằng sẽ có thời hạn chính thức nào để áp đặt, nhưng chúng tôi đang xem xét vấn đề hàng tuần chứ không phải vài tháng".
Theo The Verge, dù không đưa ra khung thời gian chi tiết, lời nói của Meadows cho thấy chính phủ Mỹ đang thảo luận về vấn đề TikTok, WeChat và sẽ sớm cấm các ứng dụng này. Thậm chí, tiến độ về lệnh cấm đang được đẩy nhanh và sớm ban bố chỉ trong ít tuần nữa.
TikTok là ứng dụng giải trí dạng video ngắn, nhưng đang bị cuốn vào "vòng xoáy" chính trị, trong đó có nghi vấn về việc công ty mẹ ByteDance có liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Công ty phủ nhận cáo buộc, đồng thời đang từng bước rời bỏ quê nhà Trung Quốc để hướng đến thị trường toàn cầu.
TikTok hiện không có mặt ở Trung Quốc. Thay vào đó, ByteDance triển khai một phiên bản riêng, gọi là Douyin, ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Họ khẳng định không tuân thủ bất kỳ yêu cầu nào của Trung Quốc về kiểm duyệt nội dung hoặc truy cập dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, ứng dụng này lại liên tục bị tố là chương trình gián điệp của Trung Quốc.
Để chứng tỏ mình không còn liên quan đến Trung Quốc, TikTok gần đây đã bổ nhiệm Kevin Mayer, cựu lãnh đạo mảng trực tuyến của Disney, làm giám đốc điều hành. Hãng cũng đã dần chuyển nguồn lực kỹ thuật ra khỏi Trung Quốc, đích đến là Mỹ. Ngoài ra, mạng video này cũng vừa phát hành báo cáo minh bạch sản phẩm, đồng thời tuyên bố đã xóa hơn 49 triệu video khỏi nền tảng do vi phạm quy tắc cộng đồng.
Tuy vậy, những hành động trên dường như chưa đủ thuyết phục các quan chức của Mỹ. Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Washington đang cân nhắc cấm TikTok, trong khi phó tổng thống Mỹ Mike Pence sau đó khẳng định sẽ cứng rắn với ứng dụng này.
Trước đó, Ấn Độ cũng cấm 59 ứng dụng Trung Quốc gồm TikTok sau căng thẳng biên giới Trung - Ấn. Hiện TikTok cũng rút khỏi Hong Kong.
Bảo Lâm