Đơn kiện của TikTok được gửi lên Tòa phúc thẩm Mỹ khu vực Quận Columbia ngày 7/5, bác bỏ cáo buộc rằng nền tảng có thể chia sẻ dữ liệu của người dùng Mỹ với Trung Quốc hoặc thực hiện hành vi gây ảnh hưởng an ninh quốc gia. TikTok cho rằng chính phủ Mỹ không đưa ra được bằng chứng chính thức cho thấy những hành động trên đã xảy ra.
Các lập luận pháp lý của TikTok dựa trên Tu chính án thứ nhất, trong đó nói Quốc hội không thể thông qua luật hạn chế quyền tự do ngôn luận của người Mỹ, tước đi quyền của 170 triệu người dùng trên nền tảng này. "Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Mỹ ban hành luật quy định một nền tảng duy nhất phải bị cấm vĩnh viễn trên toàn quốc", đơn kiện có đoạn.
Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc rút hỏi Mỹ sau khi cả Hạ viện và Thượng viện thông qua dự luật.
Trong đơn kiện, TikTok khẳng định việc thoái vốn "đơn giản không thể thực hiện". Vấn đề không nằm ở câu chuyện thương mại, công nghệ hay tính hợp pháp, mà quyền của người dùng Mỹ. "Không còn nghi ngờ gì nữa, luật sẽ buộc TikTok phải đóng cửa từ 19/1/2025, khiến 170 triệu người Mỹ - những người sử dụng nền tảng để giao tiếp theo cách không thể có ở những nơi khác - phải im lặng", đơn kiện nêu.
Nhà Trắng và Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra bình luận.
Theo phó giáo sư G.S. Hans của Trường Luật Cornell, mỗi bên đã đưa ra lý lẽ riêng nhưng phần thua đang nghiêng nhiều về phía TikTok. "Tu chính án thứ nhất là át chủ bài, cho phép bạn chiếm ưu thế nếu có thể đưa ra lập luận hợp lý. Nhưng an ninh quốc gia cũng là át chủ bài của chính phủ, và chính phủ thường thắng khi đã tuyên bố điều đó", Hans nói. "Câu hỏi ở đây là: Tòa án sẽ cho rằng con át chủ bài nào có giá trị hơn?'".
Bảo Lâm (theo Reuters, Business Insider)
- TikTok 'thà đóng cửa thay vì bán mình' ở Mỹ
- Vì sao TikTok liên tục đối mặt sức ép bị cấm tại Mỹ?
- Lý do thuật toán TikTok hấp dẫn giới công nghệ
- Tổng thống Mỹ ký luật buộc TikTok 'bán mình' hoặc bị cấm
- Thượng viện Mỹ duyệt dự luật có thể cấm TikTok