Trên TikTok, bộ lọc (filter) là tính năng được sử dụng phổ biến, giúp người dùng hài lòng với mình trong video hơn, như "bóp" khuôn mặt, làm mịn da, kéo chân. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là khi đổi góc nhìn hoặc bị vật thể che khuất, hiệu ứng sẽ mất tác dụng trong tích tắc khiến chủ thể bị "hiện nguyên hình".
Trong khi đó, Bold Glamour của TikTok khắc phục được vấn đề này khi dùng công nghệ máy học để nhận diện theo thời gian thực và gần như không có độ trễ trong việc tạo hiệu ứng đường nét cho xương hàm và gò má, làm trắng răng...
Bộ lọc nhanh chóng gây sốt khi được dùng trong hơn 6 triệu video sau 10 ngày xuất hiện. Người dùng cố ý thực hiện các biểu cảm, lấy tay che mặt nhưng Bold Glamour vẫn nhận diện tốt. Nhiều người xem cũng tỏ ra ngạc nhiên vì khó phân biệt được đâu là khuôn mặt đã qua chỉnh sửa.
Tuy nhiên, một số người cũng đặt câu hỏi về tác động của bộ lọc trên TikTok. "Thật đáng sợ, vì ngoài kia có rất nhiều cô gái chàng trai không nhận ra người khác dùng filter. Họ theo đuổi sự hoàn hảo và nghĩ mọi người đều trông như vậy ngoài đời", ngôi sao Zoe George của chương trình Big Brother Australia nói trong video đăng trên TikTok.
"Sự bất an của tôi sắp tăng vọt. Sự tự tin của tôi sắp giảm xuống", Meghan Lane, tài khoản TikTok với gần 600.000 lượt theo dõi, bình luận.
Một số cho rằng bộ lọc nên bị cấm. "Không nên để filter này tồn tại. Tôi đã thử và chỉ biết thốt lên: Thật sốc", Keify Bankhead, một người có ảnh hưởng trên nền tảng Twitch, nói.
"Đây thực sự là vấn đề lớn. Không thể gọi đó là filter nữa", nhà sáng tạo nội dung Rosaura Alvarez cho hay.
Memo Akten, chuyên gia nghệ thuật và thiết kế tại UC San Diego Visual Arts, đánh giá bộ lọc mới "là cột mốc quan trọng và kỳ lạ" về công nghệ tạo hiệu ứng thay đổi khuôn mặt một cách chính xác. "Những công nghệ này phát triển nhanh chóng thời gian qua", ông nói. "Bản thân công nghệ không mới, nhưng đã được đưa vào thiết bị di động và hoạt động một cách nhuần nhuyễn".
TikTok không bình luận về Bold Glamour.
Snapchat được xem là tiên phong trong việc đưa filter vào video trực tuyến từ 2014. Ban đầu, chúng chỉ là hiệu ứng đơn giản như mắt trái tim, khuôn mặt thú cưng. Nhưng sau đó, bộ lọc xuất hiện trên nhiều nền tảng hơn, được cải tiến với độ chính xác cao cũng như nhiều tính năng và thể loại hơn.
Luke Hurd, chuyên gia về thực tế tăng cường từng tạo filter cho Snapchat và Instagram, cho biết các bộ lọc truyền thống thường lấy hình ảnh 2D từ máy ảnh, sau đó ánh xạ khuôn mặt lên một mô hình 3D được phóng đại, từ đó tạo ra hiệu ứng mong muốn. Tuy nhiên, hiệu ứng này có thể bị cong vênh hoặc gặp trục trặc khi bị che khuất vì lớp phủ 3D khó "bám" vào bố cục khuôn mặt của chủ thể.
Bảo Lâm