"Chúng tôi sẽ theo đuổi mọi biện pháp có thể nhằm đảm bảo các quy định luật pháp được tuân thủ, cũng như công ty và người dùng của chúng tôi được đối xử một cách công bằng, nếu không phải bởi chính quyền, thì cũng bởi tòa án Mỹ", TikTok đăng trên website, đồng thời khẳng định họ cảm thấy "sốc" khi sắc lệnh được ký.
Ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền xét xử của Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và Tencent, chủ sở hữu WeChat, sau 45 ngày nữa nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia".
"Mỹ thường xuyên lạm dụng quyền lực quốc gia và đàn áp một cách vô cớ các công ty không thuộc Mỹ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhận xét về sắc lệnh mới.
Trong khi đó, chiến dịch "giải cứu" TikTok đang diễn ra trên khắp các mạng xã hội như Twitter, Instagram, Facebook và TikTok với hashtag #savetiktok. Nhiều người dùng cũng kêu gọi bình chọn "một sao" cho ứng dụng phục vụ chiến dịch tranh cử của Trump để phản đối lệnh cấm.
Đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ tuyên bố TikTok sẽ phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động tại Mỹ từ 15/9, trừ khi đạt thỏa thuận bán cho Microsoft hoặc một công ty nào đó của Mỹ.
Theo các chuyên gia công nghệ, TikTok là ví dụ mới nhất cho thấy các ứng dụng trên smartphone đang bị cuốn vào những tranh chấp về địa lý và chính trị. Các ứng dụng ngày càng khó để "yên ổn" trở thành một nền tảng công nghệ toàn cầu thực sự, bởi luôn phải đối mặt trước nguy cơ phải từ bỏ thị trường béo bở nào đó nếu xung đột xảy ra.
"TikTok có thể sẽ là một trong những quân cờ domino đầu tiên sụp đổ trong một hành trình mà còn rất nhiều ứng dụng smartphone khác bị cấm", Sanjit Jain, chuyên gia của Enders Analysis, nhận định. Trong khi đó, chuyên gia Emma Mohr-McClune của GlobalData, cũng ví các ứng dụng như những "con tốt" trên bàn cờ chính trị.
Châu An