Hội nghị lần thứ 14 cấp Chủ tịch Ủy ban quốc gia về hợp tác phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mekong diễn ra chiều 6/9 tại Bắc Kinh với sự tham dự của đại diện Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar cùng đại diện Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC).
Hội nghị thông qua Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 12, Tuyên bố chung Bắc Kinh và Sáng kiến của Trung Quốc về giải quyết vấn đề ma túy tổng hợp ở khu vực tiểu vùng sông Mekong.
Sáng kiến của Trung Quốc đưa ra những giải pháp cụ thể trong việc thực hiện các hoạt động hành pháp, kiểm soát hóa chất, giám định ma túy. Tuyên bố chung tập trung vào đánh giá tình hình tội phạm ma túy ở khu vực, những khó khăn, thách thức và cam kết của các nước trong thực hiện các hoạt động phòng, chống ma túy.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, khẳng định Việt Nam ủng hộ quan điểm không khoan nhượng với ma túy. Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một khu vực không ma túy, cân bằng giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại thông qua các biện pháp thực thi pháp luật và các giải pháp kinh tế - xã hội nhằm loại bỏ các nguyên nhân sâu xa dẫn đến tệ nạn ma túy.
Phó thủ tướng nêu rõ thời gian gần đây tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy ở khu vực và trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Ông đánh giá đây là vấn đề quốc tế, một quốc gia đơn lẻ không thể tự giải quyết, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế chặt chẽ và hợp tác trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ và cùng hỗ trợ lẫn nhau.
Việt Nam đã ban hành các chính sách với những mục tiêu dài hạn, trong đó có Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 và chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy với mục tiêu dài hạn tầm nhìn đến năm 2030.
Ngọc Ánh