Ông Vũ, chủ một quầy tạp hóa nhỏ ở Hà Nội, cho biết vài ngày qua, ông liên tục thấy ChatGPT được nhắc đến trên truyền thông, mạng xã hội. Một số người đến mua hàng cũng nói chuyện với nhau về AI này. Tò mò, ông Vũ bảo con trai lập tài khoản để trải nghiệm.
Bắt đầu với những câu hỏi nghiêm túc về các tác phẩm văn học, về những khái niệm công nghệ, ông dần thích thú và chuyển sang "chat với AI".
"Tôi không hiểu hết các chức năng, nhưng thấy thú vị khi nó có thể đối đáp qua lại, giúp tôi làm thơ, lên công thức món ăn, tư vấn chế độ dinh dưỡng, chỉ cách trồng cây, làm vườn...", ông nói. "Thật ngoài sức tưởng tượng".
ChatGPT được phát hành miễn phí tại một số thị trường từ cuối tháng 11/2022 và nhanh chóng thu hút hàng chục triệu người dùng. Tại Việt Nam, siêu AI này cũng được quan tâm từ những ngày đầu, nhưng bất ngờ trở thành cơn sốt sau kỳ nghỉ Tết.
Trong khi giới chuyên gia tranh luận về mô hình, cách thức hoạt động hay tiềm năng của ChatGPT, những người như ông Vũ không quan tâm tới công nghệ mà tìm đến AI với mục đích "vui là chính".
Minh Tuấn, 22 tuổi, làm việc trong lĩnh vực xe hơi ở Vĩnh Phúc, nói một tuần nay, anh có thói quen mới là "cãi nhau" với siêu AI. Anh thường nghĩ ra những câu hỏi vui vẻ, sau đó phản bác hoặc bổ sung một vài yêu cầu để xem AI đáp lại ra sao. Mỗi khi nhận được câu trả lời hay, anh lại chụp màn hình và chia sẻ lên Facebook.
Như Quỳnh (Hà Nội) lại dùng ChatGPT cho cả mục đích công việc lẫn giải trí. Là một biên tập viên sách, cô thử nhờ ChatGPT nhận xét các đoạn văn mà mình đã sửa qua, nhưng cho rằng ứng dụng chưa thông minh như mong đợi. Với câu văn ngắn, ứng dụng có thể góp ý ở mức khá ổn, nhưng hoạt động không tốt khi nhận được cả đoạn dài.
"ChatGPT đúng là có thể làm thơ, nhưng theo kiểu cho vui, hài hước, chứ không thể trở thành nhà thơ được", Quỳnh nói. Tuy nhiên, biên tập viên này tin rằng AI sẽ ngày càng thông minh hơn trong quá trình tương tác với con người. Các câu trả lời của ChatGPT hiện mang tính tham khảo, giải trí, nhưng khi hoàn thiện hơn theo thời gian, nó hoàn toàn có thể làm thay nhiều công việc cho con người.
AI trong đời thường
Theo kỹ sư AI Nguyễn Hoàng Bảo Đại, ChatGPT được cộng đồng hưởng ứng nhờ yếu tố miễn phí và dễ tiếp cận. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo thực chất đã tồn tại trong cuộc sống hàng ngày từ rất lâu trước đó.
Giữa năm ngoái, một số AI cũng từng tạo cơn sốt trong thời gian ngắn ở Việt Nam. Người dùng đã nhờ đến các công cụ như Midjourney, Lensa hay Dall-E để vẽ tranh ảnh nghệ thuật theo trí tưởng tượng của họ. Trong dịp Tết Quý Mão, nhiều người cũng chia sẻ lên mạng các bức hình linh vật mèo cho AI "sáng tác".
"Lensa hay Midjourney gây sốt vì nhiều yếu tố, như chất lượng ảnh đầu ra tốt hơn hẳn so với các mô hình trước đó, có thể hiểu được văn bản đầu vào phức tạp để 'vẽ' tranh tương ứng, mang tính thuyết phục cao", chuyên gia Bảo Đại nhận định.
Còn trong cuộc sống thường nhật, theo Bảo Đại, có những lúc mọi người sử dụng AI nhưng không hề biết đến sự tồn tại của nó. Ví dụ, thuật toán nhận diện ảnh của Facebook hay hệ thống gợi ý video tiếp theo của TikTok, thậm chí các ứng dụng chụp ảnh đều có sử dụng kỹ thuật AI.
Trong khi đó, ông Hùng Thắng, kỹ sư dữ liệu lớn và thị giác máy tính tại Viện nghiên cứu TITUS (Đức), nhận định thời gian tới, việc sử dụng ChatGPT sẽ chuyển từ tiêu khiển sang hướng "nghiêm túc hơn".
"Hiện nay, phần lớn sử dụng ChatGPT với mục đích giải trí, thỏa mãn trí tò mò. Chỉ một số thực sự sử dụng để hỗ trợ công việc và học tập. Thời gian tới, siêu AI này sẽ được dùng ngày càng nhiều cho các mục đích nghiêm túc, hỗ trợ con người trong các tác vụ từ đơn giản đến tương đối phức tạp", ông Thắng nói.
Theo ông, AI rồi sẽ được ứng dụng phổ biến trong các ngành nghề khác nhau, ví dụ cơ khí, tự động hóa hay y dược, tại Việt Nam. Đây cũng là xu hướng đã diễn ra ở các nước trong nhiều năm qua.
Minh Hoàng