Theo Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của NASA, tiểu hành tinh 2019 YP5 đã tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách 3 triệu km vào lúc 17h58 ngày 10/2 (giờ Hà Nội) và tại thời điểm đó, nó bay với tốc độ hơn 48.000 km/h.
Các nhà thiên văn học ước tính khối đá không gian này có đường kính 123 m, tương đương chiều cao của Đại kim tự tháp Giza ở Ai Cập. Với kích thước như vậy, nó có thể gây ra thảm họa nếu va chạm với hành tinh của chúng ta.
2019 YP5 được NASA chỉ định là vật thể gần Trái Đất (NEO), thuật ngữ chỉ các tiểu hành tinh và sao chổi quay quanh Mặt Trời có thể tiếp cận Trái Đất trong phạm vi 48 triệu km trên quỹ đạo của chúng. Tuy nhiên, hầu hết các NEO đã biết, bao gồm cả 2019 YP5, không có khả năng va chạm với chúng ta trong tương lai gần.
CNEOS nhấn mạnh rằng còn nhiều tiểu hành tinh lớn hơn 2019 YP5 sẽ bay qua Trái Đất trong năm nay. Lớn nhất trong số đó là 2001 FO32 với đường kính ước tính từ 770 m đến 1,7 km. Khối đá không gian khổng lồ này dự kiến tiếp cận gần hành tinh của chúng ta ở khoảng cách 2 triệu km vào ngày 21/3.
Các hành tinh khổng lồ như sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương hình thành từ sự kết tụ của hàng tỷ tiểu hành tinh và sao chổi. Các vật thể gần Trái Đất ngày nay là những mảnh vụn còn sót lại từ quá trình này và chúng hầu như không thay đổi trong suốt lịch sử 4,6 tỷ năm tuổi của hệ Mặt Trời. Bởi vậy, nghiên cứu NEO không chỉ giúp phát hiện sớm các vật thể có khả năng va chạm với Trái Đất mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu quá trình phát triển của hệ Mặt Trời.
Đoàn Dương (Theo Express/Newsweek)