Thiên thạch đồ sộ mang tên 2001 FO32 là tiểu hành tinh lớn nhất đến gần Trái Đất trong năm nay. Ngoài ra, đây cũng là vật thể bay nhanh nhất, theo dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái Đất (CNEOS). Dựa theo độ sáng của nó, CNEOS ước tính tiểu hành tinh này dài 770 - 1.700 m. Kích thước này khiến 2001 FO32 lớn hơn bất kỳ tiểu hành tinh nào khác bay sượt qua Trái Đất trong năm 2021. Ngay cả khi theo ước tính nhỏ nhất, thiên thạch trên cũng lớn ngang tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay là tháp Burj Khalifa ở Dubai.
Kích thước khổng lồ của 2001 FO32 cũng xếp nó vào danh mục những tiểu hành tinh lớn nhất ở khu vực lân cận Trái Đất. Trên thực tế, chỉ có một nhóm nhỏ tiểu hành tinh ở đó có đường kính ước tính trên 8 km. Ngay cả như vậy, chúng vẫn thua xa vật thể lớn nhất hiện nay trong hệ Mặt Trời là Ceres. Nằm ở vành đai tiểu hành tinh chính của hệ Mặt Trời, Ceres có đường kính lên tới 933 km. Thực tế, nó lớn tới mức các nhà thiên văn học xếp nó vào nhóm hành tinh lùn.
Ngoài kích thước đồ sộ, 2001 FO32 cũng di chuyển ở tốc độ siêu nhanh khi bay về phía Trái Đất, khoảng 123.887 km/h, nhanh gấp 100 lần vận tốc âm thanh và bằng 1/3 tốc độ tia sét giáng từ khí quyển xuống mặt đất. Vì vậy, 2001 FO32 cũng là tiểu hành tinh bay qua Trái Đất nhanh nhất trong năm 2021. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học cho biết nó không có khả năng đâm vào hành tinh của chúng ta trong tương lai gần.
2001 FO32 sẽ đến gần Trái Đất nhất vào ngày 11h03 ngày 21/3 theo giờ Hà Nội, ở khoảng cách 2 triệu km, gấp khoảng 5 lần quãng đường trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Nó được phân loại là vật thể gần Trái Đất do bay quanh Mặt Trời trong phạm vi 48 triệu km từ quỹ đạo của Trái Đất. Nó cũng nằm trong nhóm tiểu hành tinh "có khả năng gây nguy hiểm". Nhóm này bao gồm những vật thể có đường kính lớn hơn 140 m và bay tới cách Trái Đất từ 7,4 triệu km trở xuống.
An Khang (Theo Newsweek)