Cơ vân là cơ bao phủ xương, gắn với gân, giúp di chuyển các bộ phận cơ thể và các chi, ví dụ quay đầu, biểu cảm trên mặt, giơ tay nhấc chân... Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên Khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y dược TP HCM cho biết tiêu cơ vân là hội chứng trong đó các tế bào cơ vân bị tổn thương và hủy hoại dẫn đến giải phóng các chất trong tế bào cơ vào máu như myoglobin, kali, photpho...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu cơ vân như chấn thương, hoạt động thể chất quá sức, bất động lâu ngày, chèn ép cơ kéo dài, sử dụng các chất cấm, thuốc, độc tố, nhiễm trùng, mất cân bằng kali, tình trạng suy giáp, cường giáp, hạ thân nhiệt và tăng thân nhiệt... Tiêu cơ vân là tổn thương tế bào cơ, rối loạn chuyển hóa dẫn đến sốc, suy thận, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Vũ phân tích, thông thường khi mới tập luyện, cơ bắp sẽ bị căng ra, tổn thương, nhưng sau đó sẽ có cơ chế tự phục hồi, Các triệu chứng đau cơ sẽ mất đi khi cơ thể quen dần với cường độ tập luyện. Còn khi bạn luyện tập quá mạnh, quá sức, các sợi cơ hoạt động ở quá ngưỡng chịu đựng, các tế bào cơ bị chết, do đó giải phóng các chất độc hại vào máu.
Sau khi tập luyện nhiều người nghĩ có đau nhức cơ mới hiệu quả và tập đúng. Thực tế, với các bài tập mới, cơn đau này chỉ kéo dài 24 giờ đến tối đa ba ngày.
"Nếu sau khi tập, mà cảm thấy bị đau kéo dài trên 72 giờ, người mệt mỏi, bủn rủn, không có sức, chuột rút, buồn nôn nước tiểu màu nâu, thì đó không phải là cơn đau bình thường mà là dấu hiệu cho thấy bạn bị tiêu cơ vân do tập luyện quá sức", bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Bác sĩ Phùng Cao Cường, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình - Y học thể thao Bệnh viện 199, cho biết: "Hiện tượng khát nước và đói cồn cào, thèm ăn sau khi tập luyện là điều bình thường. Nhưng nếu đã uống rất nhiều nước nhưng vẫn cảm thấy khát, ăn rất nhiều mà vẫn muốn ăn thêm thì đó là dấu hiệu cơ thể bị kiệt sức".
Tương tự khi vận động, hơi thở gấp, hổn hển là hiện tượng tự nhiên vì mức độ thở tùy vào cường độ vận động mạnh hay yếu. "Nhưng nếu đang vận động chừng mực, động tác không mạnh mẽ mà đã thở dốc, thấy nhức đầu và có triệu chứng hoa mắt và chóng mặt thì phải ngừng tập và đến cơ sở y tế để thăm thám. Nếu cố gắng tập tiếp sẽ dẫn đến đột quỵ, ngất thậm chí là tử vong", bác sĩ Cường lưu ý.
Huấn luyện viên thể hình Mai Chi chia sẻ để đảm bảo an toàn khi tập luyện cần khởi động nhẹ nhàng toàn thân và tăng cường độ tập lên từ từ. Ví dụ ở bài tập squat, với một người mới có thể lực khá tới tốt có thể tập khoảng 50-100 cái squat trong một buổi tập nhưng cần chia nhỏ làm thành nhiều hiệp. Ví dụ mỗi hiệp 10-15 cái, nghỉ 45-60 giây rồi thực hiện tiếp.
Ngoài ra, bác sĩ Cường khuyến cáo người tập không ăn trước giờ tập luyện, chỉ nên ăn nhẹ trước khi tập từ 1 đến 1,5 giờ để tránh đầy bụng, đau dạ dày. Không nên chơi thể thao trước 5h sáng và sau 18h, tập quá sớm hoặc quá muộn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ phận trên cơ thể, hơn nữa môi trường cũng không thuận lợi trong lúc luyện tập. Cần đa dạng hóa các môn thể thao để tránh quá tải cục bộ một số bộ phận trên cơ thể và đỡ nhàm chán; bổ sung nước trong khi tập, uống một lượng nhỏ, chia thành nhiều lần, không nên uống nhiều, tránh tình trạng mất nước do vận động nặng, vận động nhiều.
"Người tập cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, chất đạm, chất béo... trong thực đơn hàng ngày, Áp dụng chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, bổ sung các loại vitamin A, D, E, K, các chất khoáng đồng, sắt, kẽm... Không nên tập cường độ nặng mà ăn chế độ ít calo để ép cân", bác sĩ lưu ý.
Lê Cầm