Tôi làm làm mảng R&D (Research and Development) trong IT nhưng lại xuất thân từ dân Khoa học Xã hội & Nhân văn, vì tôi yêu thích máy tính nhưng gia đình lại không cho học.
Bố mẹ tôi cũng nói luôn rằng muốn học thì tự lo học phí. Lúc đó chị gái tôi đang học tại trường Nhân văn nên cả gia đình muốn tôi học trường này. Tôi xác định trứng không chọi được với đá và lúc đó tôi cũng chưa thể tự lo kinh tế mà theo đuổi ước mơ.
Tôi quyết định đi đường vòng, tôi thi vào trường gia đình mong muốn. Trong quá trình học ở đó cố gắng học ngoại ngữ và tìm hiểu dần về ngành nghề mình thực sự yêu thích qua internet.
Tôi dành tiền làm thêm để sau này trả học phí. Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành xã hội nhưng tôi đã có nền tảng ngoại ngữ và kiến thức cơ bản của nghề mình yêu thích và bắt đầu đi xin việc, thực tập liên quan đến nó.
Ban ngày tôi đi làm, buổi tối đi học. Vất vả nhưng cảm giác được đến gần hơn với ước mơ thực sự rất hạnh phúc.
Trải qua một quá trình rất dài, cho đến giờ là hơn 10 năm, hồ sơ cá nhân của tôi cũng có thể nói là khá ấn tượng nên đôi khi bên tuyển dụng xem được trang cá nhân của tôi trên mạng, họ chủ động mời tôi ứng tuyển hoặc thậm chí là đưa luôn offer.
Những câu chuyện về ''chàng trai, cô gái bỏ đại học và thành công" chỉ như một hạt bụi nhỏ trong hàng trăm hàng triệu triệu người bỏ học.
Bây giờ nếu không có bằng cấp, sẽ rất khó vào làm việc trong những tập đoàn lớn ở Việt Nam, vì ở ngay khâu xét tuyển họ đã yêu cầu phải có bằng đại học với chuyên ngành liên quan đến vị trí tuyển dụng.
Để không có bằng cấp để có thể chen chân vào những vị trí quan trọng, lương đủ thỏa mãn cuộc sống thì bản thân phải thực sự giỏi, có chút tiếng tăm trong ngành, profile online ấn tượng thì may ra mới được các công ty ''châm chước".
Nhưng sự thật vẫn chứng minh rằng bằng cấp vẫn quan trọng - ít nhất là ở thị trường lao động Việt Nam. Bản thân tôi dù được tập đoàn công nghệ lớn ở nước ngoài đưa offer, nhưng vẫn khó ứng tuyển vào những tập đoàn lớn ở Việt Nam vì tiêu chí ''bằng đại học đúng chuyên ngành".
Thôi thì làm cho nước ngoài hay công ty Việt Nam cũng coi như là được sống với đam mê. Vậy là hạnh phúc rồi.
Ngọc DQ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.