Khoảng 18h ngày 19/1, nhận tin từ Ban quản lý hồ Gươm, PGS Hà Đình Đức, người gắn bó với rùa hồ Gươm hơn 20 năm qua, đến ngay hiện trường. Ông cho biết, xác rùa nổi sát bờ phía đường Lê Thái Tổ, gần tòa nhà báo Hà Nội mới, sau đó nhà chức trách mới đưa lên đền Ngọc Sơn để bàn bạc phương án làm tiêu bản.
"Chắc rùa mới chết cách đó vài tiếng và nổi lên nên không có mùi hôi thối như mọi người nói. Mai rùa vẫn bình thường, không có dấu lở loét", ông Đức nói và thông tin lần rùa nổi gần đây nhất là ngày 21/12/2015 với tình trạng sức khỏe tốt.
"Nặng tình với rùa từ năm 1991, tôi cảm thấy khá sốc, dù đã xác định trước sau gì cũng có chuyện này. Cụ không thể tránh khỏi quy luật sinh lão bệnh tử", ông Đức nói và cho rằng rùa mất đi không chỉ tạo hụt hẫng cho người Hà Nội mà tất cả những người quan tâm đến hồ Gươm.
Ông Đức đề nghị nên để xác rùa làm tiêu bản và sau này trưng bày ở Trung tâm văn hóa hồ Gươm. Cuộc làm việc sau đó của UBND Hà Nội cũng đã thống nhất đưa rùa về Bảo tàng Thiên nhiên.
Cũng cho rằng rùa chết do tuổi cao, TS Bùi Quang Tề, người từng tham gia chữa bệnh cho rùa nói: "Ước tính của tôi, cá thể này có thể trên dưới 200 tuổi, trong khi rùa sống lâu nhất thế giới là 180 tuổi", ông Tề nói.
Ngoài lý do già yếu, một chuyên gia từng làm việc ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng "có thể nguồn nước hồ ô nhiễm và lượng thức ăn trong hồ không được đảm bảo nên rùa mới chết".
Rùa hồ Gươm chết chiều 19/1. Cá thể có chiều dài toàn thân là 185 cm, chiều rộng mai 100 cm, chiều dài đuôi là 35 cm, nặng 169 kg này luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng bởi gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho thần kim quy, sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm phương Bắc. Năm 2011 rùa được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trong hơn ba tháng, sau đó được trả về hồ, nơi người ta đã thả nhiều cá để làm thức ăn.
Tên khoa học của rùa vẫn đang gây tranh cãi trong giới khoa học. Trong khi nhiều tổ chức quốc tế cho rằng rùa hồ Gươm có tên là Rafetus swinhoei, cùng loài với rùa Đồng Mô và hai con ở Trung Quốc, một số nhà khoa học trong nước lại nói đó là loài hoàn toàn mới Rafetus leloii, rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ.
Đề xuất đưa rùa Đồng Mô thay thế Cho rằng hồ Hoàn Kiếm không thể thiếu rùa, một số nhà khoa học đề xuất nên đưa rùa ở Đồng Mô về thay thế. "Rùa Đồng Mô và Hoàn Kiếm cùng loài với nhau nên việc này là hoàn toàn hợp lý", chuyên gia động vật Vũ Ngọc Thành nói. Chuyên gia khác đề xuất nên thực hiện công cuộc tìm kiếm "hậu duệ" của rùa Hoàn Kiếm, vì hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tên loài của rùa ở Đồng Mô và Hoàn Kiếm. |
Phạm Hương