"Với 72 doanh nghiệp tham gia, việc triển khai thí điểm khu công nghiệp sinh thái đã tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm", ông Vũ Quốc Huy - Phó Vụ trưởng Quản lý Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết tại Hội nghị chuyên gia quốc tế lần 2 về Khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam, diễn ra hôm 8/11 tại TP HCM.
Thí điểm này thuộc dự án "Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam" do Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện. Các doanh nghiệp tham gia thuộc các khu công nghiệp Khánh Phú, Gián Khẩu (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc (Cần Thơ).
Báo cáo cho biết tổng mức đầu tư để triển khai theo tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái 3 năm qua hơn 207 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền tiết kiệm được nhờ hiệu quả mang lại đã đạt 171,03 tỷ chỉ sau 3 năm nhờ giảm tiêu thụ nguyên vật liệu, điện, nước, nhiên liệu, hóa chất... Ngoài ra, tác động đến môi trường cũng tích cực như giảm hơn 9.300 tấn chất thải rắn, hơn 850.000 m3 nước thải.
Theo định nghĩa của Chính phủ trong Nghị định 82 ban hành hồi tháng 5 vừa qua, khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.
Không chỉ tiết kiệm tiền, theo ông Vũ Quốc Huy, việc chuyển đổi khu công nghiệp thông thường với mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế sang mô hình khu công nghiệp sinh thái với yêu cầu hài hòa cả về kinh tế, môi trường và xã hội sẽ mang lại hiệu quả cho 4 bên gồm doanh nghiệp (tiết kiệm chi phí sản xuất), môi trường (giảm tiêu thụ nước, hóa chất và giảm phát thải), cộng đồng (cải thiện sức khỏe lao động, chất lượng sống) và cơ quan quản lý (đạt mục tiêu phát triển bền vững).
"Năm tới, Bộ sẽ ban hành thông tư và sổ tay kỹ thuật để đảm bảo khung pháp lý hoàn chỉnh cho việc triển khai khu công nghiệp sinh thái", ông Huy cho biết. Hiện tại, khó khăn lớn nhất khi xây dựng thông tư là các quy định pháp lý về tái chế và xử lý chất thải.
Ông Heinz Leuenberger - Giáo sư Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sĩ cho rằng, việc sớm hoàn tất thông tư là rất cần thiết để có những tư vấn rõ ràng hơn về cách thức triển khai, trình tự thủ tục cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp tiếp cận mô hình này. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra phải thực tế.
"Những thông điệp chỉ có ý nghĩa và triển khai được vào doanh nghiệp khi có khả thi về mặt kinh tế. Nếu phải tốn kém nhiều hơn thì nó sẽ không bao giờ diễn ra. Phải làm khu công nghiệp sinh thái hấp dẫn hơn khu công nghiệp kiểu cũ", vị giáo sư khuyến nghị.
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên & Môi trường, cả nước có 283 khu công nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 228 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Khu vực Đông Nam Bộ phát thải chất thải rắn thông thường cao nhất. Trong khi đó, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và miền núi Bắc Bộ phát thải chất thải rắn nguy hại cao hơn.
"Các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp chủ yếu có mục tiêu nhanh lắp đầy diện tích cho thuê chứ chưa mấy quan tâm đến khu công nghiệp sinh thái mà chúng ta hướng đến", bà Nguyễn Thị Hồng Liễu - Vụ Quản lý chất thải và Cải thiện Môi trường thuộc Tổng cục Môi trường nhận xét.
Theo Điều 43, Nghị định 82, khi được xác nhận là doanh nghiệp sinh thái, khu công nghiệp sinh thái thì đơn vị, tổ chức sẽ được ưu đãi vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Quỹ đổi mới công nghệ và các quỹ tài trợ quốc tế..Ngoài ra, còn được hỗ trợ về kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, thương mại.
Viễn Thông