Tại cuộc họp báo chiều 18/6, trả lời VnExpress về ý nghĩa của việc bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, Phó vụ trưởng Công chức, viên chức Nguyễn Tư Long cho biết, việc này không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn giúp tiết kiệm chi phí xã hội, chấm dứt hệ quả văn bằng, chứng chỉ giả.
Bộ Nội vụ chưa tính toán cụ thể, song sơ bộ cho thấy một văn bằng, chứng chỉ khi đi học tốn khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng. Riêng công chức hành chính có khoảng 300.000 người, trong đó khoảng 200.000 người phải hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ thời gian tới.
"Như vậy, việc cắt giảm văn bằng, chứng chỉ có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể đến chi phí thời gian và chi phí xã hội, những vấn đề phức tạp trong quá trình phải đi học", Vụ phó Công chức, Viên chức khẳng định.
Đại diện Bộ Nội vụ giải thích, việc Bộ ban hành Thông tư 02 không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng cũng như quá trình thi nâng ngạch với đội ngũ công chức hành chính, văn thư là thực hiện chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính; giúp đội ngũ công chức, viên chức bớt áp lực về văn bằng, chứng chỉ, học hành "không cần thiết".
"Các cơ quan sẽ quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm, tức là mỗi vị trí đòi hỏi tiêu chuẩn, trình độ nhất định. Nhân sự phải đáp ứng trình độ đó thì mới được nhận chứ không phải chỉ có chứng chỉ là xong", ông Long nhấn mạnh.
Khi đó, việc nâng cao kiến thức sẽ là nhu cầu tự thân của mỗi người. Đơn cử như công chức ở bộ, ngành trung ương mà không sử dụng được máy vi tính thì không làm được việc. Như vậy, đương nhiên họ sẽ phải học để đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm.
Việc cắt giảm cũng sẽ giúp chấm dứt tình trạng văn bằng, chứng chỉ giả. Ví dụ, một người làm ở vị trí không cần đến trình độ tiếng Anh là B2 hoặc B1, bậc 3, 4 nhưng vẫn bắt họ đi học thì có thể dẫn đến hệ quả là đi mua. Trong khi đó, theo quy định mới thì người sử dụng văn bằng chứng chỉ giả sẽ bị đuổi việc.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cũng khẳng định, trình độ, năng lực ngoại ngữ, tin học rất cần thiết đối với mỗi cán bộ, công chức. Tuy nhiên, việc học phải nhằm nâng cao năng lực thực chất, chứ không phải chỉ yêu cầu chứng chỉ. Thực tế, nhiều chương trình đào tạo lặp đi lặp lại và không hiệu quả.
"Tới đây chúng ta sẽ đào tạo theo kiến thức, kỹ năng cần thiết của từng vị trí việc làm, theo khung năng lực đề ra", ông Thừa nói và cho biết thời gian tới Bộ sẽ trao đổi với các bộ ngành để rà soát, cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng.