Hơn một giờ sáng, Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi) cùng các tình nguyện viên ca đêm vẫn luôn tay chuẩn những bình sữa ấm cho hơn 60 trẻ sơ sinh. Cứ mỗi 3 tiếng, công việc này được lặp lại một lần, để đảm bảo trẻ ăn đủ 8 cữ một ngày. Thi thoảng, họ khẽ đi lại, quan sát từng đứa, kiểm tra tã bỉm và vỗ về những bé đang ọ ẹ, cứ như vậy đến hết đêm.
Là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, Hằng đã quen với việc thức xuyên đêm trên các chuyến bay nhưng việc xoay vòng với bỉm, sữa cũng khiến cô hơi đuối, có khi phải ngủ bù cả sáng hôm sau. Dù vậy nếu có ai hỏi cô có muốn từ bỏ công việc tình nguyện này, thì câu trả lời là "Chưa bao giờ, dù chỉ trong ý nghĩ".
Có ít lịch bay do Covid-19, Hằng xin nghỉ tháng 8-9 để đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ các điểm tiêm vaccine của phường. Rồi biết tin Bệnh viện Hùng Vương (quận 5) tuyển tình nguyện viên chăm sóc cho trẻ sơ sinh có bố mẹ là F0, cô lập tức đăng ký tham gia vì yêu trẻ con.
Chưa lập gia đình, kinh nghiệm chăm trẻ nhỏ hầu như bằng không nhưng nghĩ đến những em bé mới chào đời không được cảm nhận hơi ấm của mẹ, cô lại mong muốn được bù đắp phần nào. Hầu hết các tình nguyện viên tham gia đều chưa lập gia đình, nhiều người là sinh viên nên phải trải qua 2 buổi tập huấn kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh, biểu hiện trẻ đói, khó chịu và cả cách kiểm tra trẻ thở có bình thường hay không.
"Ngày đầu tiên nhận các bé bồn chồn, hồi hộp lắm. Thấy các bé từ xe bệnh viện vào phòng cũng muốn chạy lại ôm nhưng chần chừ, chỉ sợ vô tình làm các con nhỏ xíu đau. Rồi mỗi ngày, các cô điều dưỡng đều hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ nên giờ ai nấy đều quen, bế và cho các con ăn thuần thục", Hằng cười và nói.
Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh của bệnh viện nay đã đón hơn 60 trẻ, các bé đều có bảng tên ở mỗi nôi. Các tình nguyện viên cũng đảm nhận nhiệm vụ lau dọn sạch sẽ các phòng, sắp xếp và lắp nôi để đón trẻ từ viện sang. 40 tình nguyện viên chia nhau các ca sáng, chiều, tối, đêm nhưng khi đồng đội hỗ trợ, họ cũng không quản thời gian. Đêm đến, các tình nguyện viên trải chiếu nằm bên các bé, nhưng Hằng không dám chợp mắt vì lo lắng. Một người trông vài trẻ, chưa kể có bé sinh non, cần quan tâm đặc biệt hơn.
Câu chuyện hàng ngày của Hằng và đồng đội là hôm nay các bé ăn ngoan không, có bé nào được bố mẹ đón về chưa, bé nào có biệt danh là "đại ca" vì đã ở đây một tháng 5 ngày... Hôm nào nghe có 7-9 bé được đón về, cả nhóm vui lắm nhưng chia ly nào thì cũng buồn. Hằng thổ lộ vì càng ở lâu thì càng có nhiều tình cảm, ghi nhớ từng thói quen, khuôn mặt nên rất nhớ nhung.
"Mỗi khi nói tạm biệt, tụi mình khóc, có khi là khóc nức nở, chỉ muốn ôm con lâu hơn một xíu. Rồi lại nghĩ sau này con lớn rồi, các cô sẽ vui vì năm xưa tuy là những bà mẹ trẻ vụng về nhưng đã dành tất cả tình thương, nâng niu con mỗi ngày, mong con cảm nhận được và sẽ khôn lớn thành người tốt", Hằng nói trong tiếng sụt sịt.
Các bảo mẫu trẻ đóng quân ở trung tâm, ăn ngủ sinh hoạt cùng nhau, trải chiếu nằm đất, tự khiêng nước, khiêng thùng và Hằng đã đón sinh nhật tuổi 26 như thế. Những ngày này có thể thật thiếu thốn nhưng được đồng đội tiếp năng lượng, nhìn các bé ngày càng cứng cáp, Hằng tin cô đã có khoảng thời gian thật ý nghĩa.
Cũng tạm nghỉ vì dịch Covid-19, hai tháng nay anh Nguyễn Thái Hòa (31 tuổi), tiếp viên của Bamboo Airways đăng ký tham gia đội phun xịt khử khuẩn thuộc Thành đoàn TP HCM. Bất kể ngày nắng hay mưa, mỗi 8h sáng, anh cùng các thành viên trong nhóm lại khoác lên mình bộ đồ bảo hộ xanh, mang trên vai những bình dung dịch 25 lít, len lỏi những ngõ ngách khử khuẩn miễn phí tại nhà của các trường hợp F0, khu vực phong tỏa... Cứ như vậy một đội gồm 8 nhóm sẽ đi theo 8 chiếc xe do tình nguyện viên khác lái. Họ sẽ ngồi trên thùng để tránh lây nhiễm chéo.
Sau khi hoàn thành công việc ở các điểm được giao, 11h30 nhóm trở về điểm tập kết tại quận 2, cởi bỏ đồ bảo hộ, khử khuẩn, vệ sinh máy móc rồi nghỉ trưa. Công việc sẽ tiếp tục lúc 13 giờ 45, cho đến 16 giờ 30. Có những ổ dịch mới tăng, đội cũng thường xuyên tăng cường đến đêm.
Anh Hòa chia sẻ, những ngày nhiệt độ ngoài trời Sài Gòn lên tới 35 độ C, đồ bảo bộ của các thành viên đều sũng mồ hôi, có người đuối sức nhưng không ai một lời kêu than. Có ngày trên đường từ bệnh viện dã chiến trở về, 2 thành viên nữ trong nhóm anh ngất vì sốc nhiệt, một người co giật. Với kỹ năng sơ cứu được huấn luyện và thực hành thuần thục trên những đường bay, Hòa nhanh chóng sơ cứu và giúp họ ổn định trở lại. Mọi người khi ấy hỏi ra mới biết anh là tiếp viên hàng không, các thành viên trong nhóm cũng đến từ các ngành nghề sinh viên, nhiếp ảnh gia, giám đốc công ty...
Phần lớn trong số họ đều chưa từng đến những hang cùng, ngõ hẻm ở Hóc Môn, Nhà Bè, nên khi đến những xóm trọ nghèo, ai nấy đều sững người. Trong căn nhà khoảng 15 m2 không cửa sổ, các bức tường đều được trưng dụng để treo đồ, hai người phụ nữ ngồi chờ cơ quan chức năng tới hỗ trợ. Người đàn ông duy nhất trong nhà đã mất vì Covid-19 còn ở trong nhà nhưng họ cũng không biết phải đi đâu.
Hay lần khác khi xịt khuẩn ở một hẻm ở quận 4 vào tháng 7, nhóm của Hoàn thấy một gia đình bước ra từ căn nhà xập xệ theo xe đi cách ly. Gia đình 3 thế hệ có cả người già, thanh niên và người phụ nữ bế theo đứa con chừng 2 tháng tuổi. Chứng kiến cảnh ấy, các thành viên trong nhóm mắt nhòe đi nhưng trấn an nhau phải tập trung, tập trung, xách bình lên đi tiếp.
Với Hòa, nếu không nhìn tận mắt, có lẽ anh sẽ không bao giờ tin sự thiếu thốn, khó khăn ấy vẫn tồn tại trong thành phố tưởng chừng đã quen thuộc 30 năm qua. "Những hình ảnh ấy tiếp cho tôi nhiều động lực nhất, để dù rằng công việc có vất vả, tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm Covid-19, tôi vẫn luôn dũng cảm và quyết tâm để góp sức nhỏ trong công cuộc chống dịch của cả nước", Hòa nói.
Đào Thị Thùy Huyên (28 tuổi) là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, thường bay các tuyến Nhật, Australia, Đức và các chuyến bay nội địa xen kẽ Đông Nam Á. Vì Covid-19, cô nghỉ việc luân phiên và từ ngày 5/8, cô đăng ký tham gia làm tình nguyện viên điều phối và đo huyết áp cho người dân tại điểm tiêm vaccine ở phường 9, quận Tân Bình. Từ ngày 23/8, nhóm của cô phối hợp cùng cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng ở vùng cam, đỏ.
Công việc của nhóm bắt đầu tập trung lúc 7h30 và kết thúc lúc 19h tối, những ngày mưa có thể đến 22h tối mới làm và tổng hợp xong. Đồ bảo hộ mà họ mặc hàng ngày cũng là đồ cấp 2, đôi khi cấp 3, dưới thời tiết nắng nóng ai cũng ướt đầm mồ hôi. Hàng ngày đi đến từng nhà, gặp gỡ từng người, nhiều khi tiếp xúc trực tiếp với F0, Huyên cũng không khỏi lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm, tuy nhiên cô chia sẻ vẫn luôn cố gắng ăn uống đầy đủ, có sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng mọi người.
"Làm trong ngành hàng không, tôi được huấn luyện kỹ năng sơ cứu và có kinh nghiệm từ các chuyến bay hồi hương, vì vậy rất tự tin khi đăng ký làm tình nguyện viên. Đặc biệt đã được tiêm phòng vaccine, tôi mong muốn thời gian này có thể làm những điều ý nghĩa, góp sức trẻ cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn", Huyên nói.
Với cô, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi lấy mẫu xét nghiệm trong đợt khoanh vùng F0. Khi cả nhóm được thông tin trước rằng có một gia đình 4 người, các thành viên sốt và mệt, ai nấy đều mong họ "âm tính". Tâm trạng ai cũng vậy đều mong không ai hiện ra 2 vạch ngay thời điểm này. Huyên đứng trước ngôi nhà nhỏ, ánh mắt lo lắng của 4 thành viên nhìn ra khiến cô không khỏi xúc động. Khi lấy mẫu, cô không quên động viên họ, đặc biệt là 2 em nhỏ đang rất dũng cảm, dù khó chịu cũng ngồi yên để lấy mẫu. Điều không mong muốn cũng xảy ra, các mẫu xét nghiệm đều hiển thị 2 vạch, trong lòng Huyên khi ấy chỉ mong kết quả xét nghiệm PCR sẽ tốt hơn, họ nhanh chóng khỏe lại.
Rồi nhiều lần khác, khi ở các điểm tiêm, cô nhận được những câu cảm ơn, nụ cười tươi, ánh mắt trìu mến và cái giơ tay quyết tâm của các cô chú lớn tuổi. Tất cả những sự ủng hộ ấy cùng sự sát cánh, đoàn kết của đồng đội khiến "mùa hè xanh" của cô trở nên ý nghĩa và đáng nhớ hơn bao giờ hết.
"Không chỉ có lực lượng trẻ, những cô chú lớn tuổi và cả người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh đều tham gia vào lực lượng tình nguyện viên. Mình tin sự đồng lòng của toàn xã hội sẽ đẩy lùi được dịch bệnh", Huyên cười và nói.
Lan Hương