Hơn một tháng trước, blogger Chan La Cà (tên thật Hoàng Minh Tuấn) cùng những người bạn trong nhóm quay phim từ Hà Nội ngược lên vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) để "săn" mùa lúa chín và ngắm biển mây. Sau khi nhóm bạn trở về thành phố, anh tiếp tục tới Sa Pa. Ở đây được 5 ngày, anh hay tin Hà Nội áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16, các hãng xe khách cũng dừng hoạt động. Chuyến đi dự tính một tuần nay đã kéo dài cả tháng.
Đăng nội dung lên Facebook, anh nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt quan tâm. "Nhiều bạn bè, người quen hỏi thăm, thấy mình tội nghiệp nhưng mình coi chuyến đi này là cơ hội, thay vì khó khăn", anh thổ lộ.
Anh cảm thấy may mắn vì được ở nơi không có dịch, được di chuyển tự do, thăm những bản làng vùng cao, ngắm mây núi, hít khí trời và mỗi ngày mở máy tính làm việc, trước mặt anh là khung cảnh dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Dù vậy, ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh cũng hạn chế đi lại, tiếp xúc hay gặp gỡ nhiều người.
Một lần khi anh đi tới xã Hầu Thào để quay video trải nghiệm, người dân ở đây thấy anh nói giọng miền Nam liền báo công an. Công an địa phương tới kiểm tra, xác minh rằng anh đã ở đây từ ngày 19/7, đã khai báo y tế và có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Hay lần khác, do bị cảm gió rồi nghẹt mũi, ho, sốt cao 2 ngày nên một mình lái xe máy đi mua cháo, thuốc. Đến nơi người bán hàng nghe anh cất giọng liền tránh xa. "Ở thời điểm nhạy cảm này, người dân cảnh giác với người lạ như mình là điều dễ hiểu. Mỗi lần như vậy mình lại chìa giấy xét nghiệm và giải thích để họ yên tâm", anh cười và nói.
Trong những ngày ở Sa Pa, anh đã tới thôn Nậm Cang, Tả Van, Tả Phìn, Ý Linh Hồ... để thực hiện chuỗi video "Một mình đi bụi" trên kênh YouTube. Các video quay lại những chuyến đi không có kế hoạch chi tiết, những người anh gặp, cuộc sống của người dân nơi đây.
Đến vụ gặt lúa, bẻ ngô, người dân ở quanh khu vực thường giúp đỡ nhau hay còn gọi là "đổi công". Họ cười nói rôm rả, vui vẻ khiến du khách như anh cũng thấy ấm áp. Hay mỗi lần xuống bản anh được vui đùa cùng trẻ nhỏ quần áo lấm lem nhưng ánh mắt trong veo và được cô chú lớn tuổi người H'Mông mời uống nước, ăn cơm gia đình và thưởng thức chén rượu ngô.
"Mình đã tới Sa Pa và vùng núi phía Bắc rất nhiều lần, có ấn tượng đặc biệt với người đồng bào. Sự trong sáng, chân thành, mộc mạc của họ là điều mình không tìm thấy được ở người thành phố. Mỗi lần tới đây mình cảm thấy như thuộc về nơi này", anh chia sẻ. Đây cũng là một lý do anh rời xa TP HCM để tới Hà Nội sinh sống, làm nơi trung chuyển cho những chuyến đi tới vùng núi phía bắc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái...
Những ngày ở Sa Pa Tuấn lưu trú tại khách sạn, đặt đồ ăn ở nhà hàng vì không thể nấu nướng và di chuyển tới các điểm. Tới ngày 25/8, một chủ villa cũng là người yêu du lịch biết anh đang mắc kẹt, cũng hỗ trợ anh tới đây ở. Anh cho biết đôi lúc cũng thấy hơi tủi thân, nhớ không khí thành phố, nhớ nhà và lo lắng cho bạn bè, người thân đang ở vùng dịch.
Anh cho biết sau khi hoàn thành chuỗi video ở Sa Pa, nếu Hà Nội vẫn chưa hết giãn cách, anh sẽ tới Mù Cang Chải, nơi có những ruộng bậc thang lúa chín bạt ngàn. Xa hơn, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, anh trở về quê hương Buôn Ma Thuột, làm những hình ảnh, nội dung về Tây Nguyên đại ngàn đẹp và giàu chất thơ.
Lan Hương