Ngày 22/12, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết quý I/2022 là thời điểm thích hợp để khởi động lại việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng sau 2 năm liên tiếp không tăng. Đời sống công nhân, lao động sa sút sau đợt dịch thứ tư kéo dài. Hiện sản xuất dần phục hồi. Tổng Liên đoàn sẽ tính toán mức tăng lẫn phương án hợp lý, vì lợi ích hai bên và phù hợp với "sức khỏe" doanh nghiệp.
Ông Quảng đánh giá việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là cấp thiết, khi chi phí như xăng dầu tăng dẫn tới giá cả các mặt hàng cũng tăng. Phần lương tăng thêm cũng là khoản bù đắp cho các chi phí này.
Điều chỉnh tiền lương tối thiểu còn góp phần giải quyết bài toán an sinh, mở rộng diện bao phủ BHXH và hạn chế rút BHXH một lần. Thực tế, phần lớn doanh nghiệp vẫn đóng BHXH cho công nhân xấp xỉ lương tối thiểu vùng, chưa đầy 5 triệu mỗi tháng. Trong khi luật quy định từ năm 2018, tiền lương tháng đóng BHXH gồm mức lương và các khoản bổ sung khác, song luật lại chưa quy định các "khoản bổ sung tính đóng BHXH" gồm những loại gì.
Mức đóng thấp dẫn đến mức hưởng thấp, bởi lương hưu trong khu vực doanh nghiệp tính bình quân tổng số năm đóng BHXH. Có người nhận lương hưu dưới mức tối thiểu khiến nhiều lao động nản lòng, rời Quỹ hưu trí. Nên khi chờ quy định được điều chỉnh, thì tăng lương đồng nghĩa tăng tiền đóng vào Quỹ BHXH cho người lao động, giúp nâng mức lương hưu họ được hưởng.
Tiền lương tối thiểu vùng giữ nguyên từ ngày 1/1/2020, với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng. Hồi đầu năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2021 thay vì hoãn cả năm, song chưa thể thông qua do đại dịch kéo dài, cần thời gian cho doanh nghiệp phục hồi.
Đợt dịch thứ tư đã khiến hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động (15 đến 54) thất nghiệp, tính hết quý III/2021. Tỷ lệ lên mức cao nhất trong vòng 10 năm, tới 3,98%. Số người có việc làm ở khu vực chính thức lẫn phi chính thức đều sụt giảm, lần lượt gần 469.000 người và 2,9 triệu người. Thống kê sơ bộ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 2 triệu công nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực, mất việc, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Hồng Chiêu