Bắt đầu từ tháng 12/2021, thu nhập của hơn 800 lao động Công ty TNHH Datalogic Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) được nâng lên do công ty điều chỉnh lương cơ bản. Mức tăng 7,6% sẽ được áp dụng cho cả năm 2022.
Ông Trần Tiến Phát, Tổng giám đốc công ty, cho hay nhà máy duy trì được sản xuất suốt năm qua nhưng chi phí vận hành lại tăng quá cao. Để có kinh phí bù đắp cho quỹ lương, doanh nghiệp phải tính toán lại các nguồn, tạm dừng những khoản không cần thiết, tiết kiệm tối đa chi phí.
Đơn cử, trong thời gian thực hiện "vừa sản xuất vừa cách ly", nhà máy tìm được đối tác y tế xét nghiệm PCR, test nhanh Covid-19 giá thấp hơn so với mặt bằng chung. Doanh nghiệp chỉ thuê khách sạn tiêu chuẩn một sao cho số công nhân tham gia "2 địa điểm – một cung đường" ăn ở, động viên họ chấp nhận, chia sẻ.
Trước đây, hàng tháng, công ty hỗ trợ mỗi lao động 50.000 đồng để cùng nhau ăn uống theo tổ, chuyền, nhưng khi dịch bùng phát khoản này phải tạm ngưng. Bù lại, sau khi kết thúc "3 tại chỗ", ngoài tăng lương, ban giám đốc hỗ trợ thêm mỗi người 7,5 triệu đồng, duy trì thu nhập tháng 13, lì xì đầu năm cho toàn bộ nhân viên vào dịp Tết sắp đến.
Tương tự, đang hoạt động thua lỗ do dịch, phải lấy tài chính tích lũy ra sử dụng nhưng ban giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) vẫn quyết định nâng lương năm tới cho hơn 400 lao động lên ít nhất 5%. Trước đó, vào quý 2/2021, doanh nghiệp đã tăng lương cơ bản cho công nhân trực tiếp sản xuất lên 10%, nâng thu nhập trung bình mỗi tháng của nhóm này gần 9 triệu đồng.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty APT, cho biết năm 2021 doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt thời gian thực hiện "3 tại chỗ", các chi phí về y tế, ăn ở, sinh hoạt cho người lao động tăng quá cao nhưng năng suất giảm. Khi thành phố "mở cửa", nhà máy đối diện những thách thức như giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng nhưng đối tác lại yêu cầu giá bán sản phẩm phải giữ nguyên.
"Doanh nghiệp đang cố gắng giảm lỗ từ từ, giữ ổn định sản xuất, chờ cơ hội phục hồi", ông Dũng nói và cho rằng muốn thực hiện được kế hoạch này cần phải giữ lao động ở lại với nhà máy. Nếu không được tăng lương, công nhân sẽ rất chật vật vì khó chịu nổi áp lực lạm phát trong thời gian tới, dễ rời bỏ công ty.
Là Phó chủ tịch Hội Lương thực và Thực phẩm TP HCM (FFA), ông Dũng cho hay qua khảo sát gần 400 doanh nghiệp thành viên của hội, đa phần các nhà máy đều cố gắng thu xếp nguồn tài chính để tăng lương cho công nhân. Mức tăng dao động 5-10% kỳ vọng bù trượt giá, chia sẻ chi phí tăng thêm với người lao động.
Lãnh đạo FFA cho rằng làn sóng lao động bỏ thành phố về quê, chần chừ quay lại đã gây ra tình trạng thiếu nhân công ở rất nhiều nhà máy, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Bây giờ đơn hàng không thiếu, chỉ thiếu người", ông Dũng nói. Để sớm phục hồi sản xuất, các công ty buộc phải tăng lương và bắt đầu xây dựng thêm các khoản thưởng, phúc lợi thu hút công nhân.
Trong khi đó, theo ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), các nhà máy buộc phải tăng lương để giữ lao động có tay nghề. Tại một số công ty, chính sách này gần như không phụ thuộc vào điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Ghi nhận của hiệp hội, vào cuối năm, các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc nhóm ngành điện tử, cơ khí chính xác sẽ tăng lương theo bậc hoặc khi xét đánh giá lại hợp đồng lao động.
Ông Trần Việt Anh ví dụ tại doanh nghiệp của mình, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn – nhiều năm qua người lao động được xét tăng lương vào ngày sinh nhật, mức tăng khoảng một triệu đồng, áp dụng cho cả năm bất kể nhà nước có điều chỉnh lương tối thiểu vùng hay không. Ngoài ra, nếu vợ chồng làm cùng công ty cũng sẽ được thêm lương.
"Để có nguồn tăng lương cho người lao động, nhà máy phải tăng sản lượng", ông Việt Anh nói. Nếu trước đây 5 người đứng 5 máy sản xuất, thu nhập mỗi người 10 triệu đồng. Khi lương tăng lên 15 triệu đồng bắt buộc doanh nghiệp phải mua thêm một máy mới hoặc bán 3 máy công nghệ cũ để đầu tư một máy tự động và giảm bớt nhân công.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất – công nghiệp TP HCM, cho hay ảnh hưởng Covid-19, hai năm 2020, 2021 mức lương tối thiểu vùng áp dụng ở thành phố là 4,42 triệu đồng/tháng. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, trước mắt lương tối thiểu vùng năm 2022 giữ nguyên. Tuy nhiên, qua nắm bắt của công đoàn cơ sở, một số công ty trong các khu công nghiệp đã tăng lương cho công nhân dù sản xuất cầm chừng.
"Mức tăng có thể không cao nhưng động viên rất lớn người lao động giữa lúc khó khăn, hạn chế tình trạng 'nhảy việc' sau Tết", ông Tuấn nói.
Theo khảo sát của Anphabe – công ty chuyên về tuyển dụng, thực hiện trên 50 doanh nghiệp và 54.000 lao động, công bố mới đây, 47% người đi làm chia sẻ tiền lương của họ không đổi so với năm trước đó, tập trung nhiều ở những lao động cấp bậc thấp hoặc mới đi làm, lương dưới 10 triệu. 20% bị giảm lương, tập trung nhiều ở khối doanh nghiệp trong nước với mức giảm trung bình 15%. Chỉ 33% người đi làm được tăng lương, chủ yếu ở các doanh nghiệp nước ngoài, với mức tăng trung bình 8%.
Lê Tuyết