Góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tại tọa đàm ngày 27/3, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc, đưa ra đề xuất trên. Một năm qua, bà ít nhất ba lần đề cập vấn đề này.
"Tổ soạn thảo lần nào cũng nói tiếp thu, nhưng các bản cập nhật dự luật đều không thấy bổ sung", bà nói, cho rằng nhà làm luật cần tính toán kỹ để lao động không thiệt thòi. Nếu đề xuất được thực thi, số người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần sẽ giảm. Thậm chí nếu thôi việc, họ sẽ cân nhắc đóng BHXH tự nguyện để chờ hưu trí.
Luật hiện hành lẫn dự thảo sửa đổi quy định lao động nam đóng đủ 35 năm BHXH, nữ 30 năm và đủ tuổi nghỉ hưu mới được hưởng tối đa 75% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Lao động về hưu sớm trước tuổi quy định bị khấu trừ 2% mỗi năm trong khi đóng vượt khung tối đa chỉ được trợ cấp bằng 0,5 lần bình quân tiền lương đóng BHXH cho mỗi năm thừa.
Thực tế nhiều công nhân đi làm lúc đôi mươi, nay thừa năm đóng BHXH để hưởng tối đa 75% lương hưu nhưng lại thiếu tuổi đời; hoặc nghỉ sớm bị khấu trừ 2% khiến mức hưởng rất thấp. Tuổi hưu tăng theo lộ trình khiến nhiều người đuối sức khi theo đuổi lương hưu tối đa 75%.
Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội trước đó đã đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động của mức trợ cấp một lần với lao động đóng thừa năm BHXH tối đa sao cho tương xứng nhằm khuyến khích họ gắn bó lâu dài với hệ thống an sinh. Song dự luật sửa đổi vẫn giữ nguyên mức hưởng.
Thống kê giai đoạn 2016-2021, cả nước có 435.000 lao động nghỉ hưu nhận trợ cấp một lần vì thừa số năm đóng BHXH tối đa, chiếm gần 66% số người nghỉ. Bình quân 3 người nghỉ hưu thì có hai người được hưởng mức tối đa 75%.
Công đoàn Vĩnh Phúc đồng thời kiến nghị sửa đổi một số quy định để nâng quyền lợi thai sản cho lao động nữ. Luật hiện hành lẫn dự luật sửa đổi quy định lao động nộp hồ sơ thai sản cho chủ sử dụng trong 45 ngày kể từ khi trở lại làm việc. Phía công đoàn cho rằng 45 ngày là quá lâu, khiến lao động thiệt thòi khi không kịp bù đắp thu nhập trong thời gian nghỉ.
"Nuôi con trăm khoản phải chi, tiền bỉm, sữa, đủ thứ trên đời. Tiền đâu nuôi con nếu không được hưởng sớm", bà băn khoăn, kiến nghị sửa quy định lao động nộp hồ sơ hưởng quyền lợi ngay sau sinh chứ không đợi tới 45 ngày.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Hồng Chiêu