Chưa bao giờ việc vay các khoản tiền "nóng" lại dễ dàng như hiện nay bởi theo những mẩu quảng cáo này, khách hàng chỉ cần nộp hồ sơ photo là tiền sẽ được giải ngân trong vài ngày. Những lời mời chào vay vốn hiện diện khắp nơi trên đường phố, các nơi công cộng. Trước đây, những tờ rơi mời chào vay vốn chỉ lác đác xuất hiện trong các máy rút tiền (ATM) thì nay được dán khắp các bức tường trên đường, với tần suất nhiều không kém dịch vụ khoan cắt bê tông. Ngoài ra, dừng đèn đỏ ở các ngã tư, ngã ba, người đi đường cũng dễ dàng nhận những tờ rơi kiểu "vay nóng - giải ngân nhanh - lãi suất thấp"...
Ảnh: Tiếp thị vay vốn không thế chấp "canh tranh" với khoan cắt bê tông |
Một số người lo ngại không khéo "bỗng dưng mắc nợ" bởi dù chưa cần tiền nhưng thấy quảng cáo tới tấp cũng dễ dao động. Anh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) dẫn chứng, khi ở cơ quan thì liên tục nhận điện thoại mời mở thẻ tín dụng của các ngân hàng, mời chào vay vốn của các công ty tài chính. Đến khi đi làm về, chưa kịp mở cửa anh đã thấy tờ rơi mời vay tiêu dùng trả góp gắn sẵn ở cánh cửa.
Hầu hết các chủ số điện thoại được quảng cáo đều khẳng định là chuyên viên tín dụng của các công ty tài chính chứ không phải "tín dụng đen". Ngoài ra, họ luôn khẳng định thủ tục vay vốn đơn giản hơn các ngân hàng, khách chỉ cần nộp bộ hồ sơ photo, không cần công chứng. "Chẳng hiểu thế nào nữa. Giờ các ngân hàng cho vay điều kiện ngặt nghèo thế mà nghe họ quảng cáo tôi lại thấy vay tiền bây giờ thật là dễ dàng", anh Tuấn chia sẻ. Anh kể, nhiều nhân viên tài chính còn chào mời cho vay hạn mức tới 9 tháng lương trong khi trước đây, phần lớn khách hàng chỉ được các nhà băng cấp hạn mức thẻ tín dụng 3-4 tháng lương.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại không hề "mềm" chút nào. "Thu nhập càng cao thì lãi suất càng thấp", nhân viên tên Tiệp của một công ty tài chính khẳng định với khách hàng. Anh này cho hay, lãi suất sẽ dao động từ 1,1-1,9% một tháng (khoảng 22,8% một năm - cao gấp 3, 4 lần lãi suất huy động tại ngân hàng hiện nay). Không chỉ vậy, cũng có công ty tài chính mời chào cho vay với lãi suất 30%.
Không riêng gì các ngân hàng hay công ty tài chính - những đơn vị được phép cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhiều tiệm cầm đồ cũng nóng lòng "tăng trưởng tín dụng" trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người rơi vào cảnh vỡ nợ. Chị Thanh (Cầu Giấy) cho biết, thuê bao của chị thường xuyên nhận tin nhắn rác mời chào, cầm đồ từ sim, xe máy, ôtô đến thế chấp sổ đỏ... để cho vay "nóng".
Bình luận về hiện tượng dễ dãi cho vay vốn hiện nay, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc các công ty tài chính đẩy mạnh doanh số bán lẻ và cấp tập mời chào là dễ hiểu. Theo ông, ở thị trường như Việt Nam, ngành cho vay tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng phát triển. "Tuy nhiên, vấn đề là người dân Việt Nam vẫn chưa thực sự quen với văn hóa tín dụng. Họ có thể dễ dàng mắc nợ trong khi đáng lẽ ra không cần thiết", vị này cho biết.
Trên thực tế, với các khoản vay tiêu dùng, trả góp ở những công ty tài chính, vay thì dễ nhưng muốn dứt nợ lại vô cùng khó khăn. Nhân viên một công ty tài chính khẳng định, nếu muốn tất toán khoản vay sớm, khách hàng vẫn phải bồi thường một khoản tiền (có thể 4-5% dư nợ còn lại). "Tốt nhất, khách hàng chỉ nên vay vốn ở các công ty tài chính trong trường hợp thực sự cần thiết. Nguyên tắc số một là khoản vay càng dễ dãi thì rủi ro và chi phí càng lớn. Nếu buộc phải vay mượn thì nên đọc kỹ hợp đồng và hỏi các điều khoản trước khi ký", một chuyên gia tài chính tư vấn.
Thanh Thanh Lan