Thái độ đon đả của các nữ promoter khiến nhiều người dừng chân, vui vẻ đón nhận. Nội dung trong tờ rơi cũng khá hấp dẫn, ngân hàng ANZ cam kết cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, giảm 3% mỗi năm trong 3 tháng đầu tiên. Đã vậy, người vay còn được tặng TV LCD hoặc lò vi sóng chất lượng cao, tùy theo giá trị khoản vay.
"Chưa bao giờ thấy cảnh nhân viên ngân hàng xuống phố đi tiếp thị như thế này", anh Hoài, kỹ sư làm việc tại tòa nhà thắc mắc.Thực tế, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng 7 tháng đầu năm nay ì ạch và chỉ tăng trưởng dương trở lại từ tháng 8. Báo cáo tài chính quý II của các nhà băng đều cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh so với cùng kỳ, thậm chí nhiều nhà băng - trong đó kể cả ngân hàng lớn - vẫn tăng trưởng âm. Ngân hàng Công thương (Vietinbank) tín dụng tăng trưởng âm 3,1% trong khi Vietcombank dù khá khẩm hơn cũng chỉ tăng được 2,96%.
Lãnh đạo các nhà băng đều thừa nhận hiện nay rất khó đẩy tín dụng ra cho vay doanh nghiệp bởi nợ xấu ngày một nhiều mà chưa có phương án giải quyết. Do đó, đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân được cho là phương án "B" để các ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận và đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra. Và tình thế khó khăn khiến ngân hàng không còn bị động ngồi chờ khách tới như trước. Ngoài cách làm độc nhất vô nhị nói trên, chiêu được các ngân hàng trong nước ưa dùng những ngày này là khuyến mãi, tặng quà.
Anh Tuấn Minh, quận 6, TP HCM cho hay, trong tháng 9 vừa rồi, anh đi vay mới khoản tiền 500 triệu đồng tại VPBank để mua nhà thì được nhà băng này tặng cho hộp nhựa cao cấp. "Tôi khá bất ngờ, vì trước giờ việc tặng quà chủ yếu dành cho khách gửi tiền", anh bộc bạch.
Trong khi đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) thì cam kết tài trợ đến 99% giá trị căn nhà khách mua. Không kém phần xông xáo, Ngân hàng Việt Nam thương tín (VietBank) hứa sẽ phản hồi hồ sơ vay mua nhà trong 48 tiếng, thủ tục gọn nhẹ đơn giản...
Nhiều nhà băng còn kiên trì tiếp cận khách thông qua việc gửi liên tục thông báo lãi suất ưu đãi vào mail, tin nhắn điện thoại. Chị Thanh, nhà quận Bình Tân, TP HCM cho biết, mấy tuần nay, gần như ngày nào chị cũng nhận được mail hoặc tin nhắn từ Tienphongbank gửi đến thông báo chương trình cho vay "với mức lãi suất thấp chưa từng có 0,82% một tháng", dành cho diện mua nhà, xe...
"Nhận thông tin liên tục đến nỗi tôi thuộc lòng luôn nội dung của bản tin", chị chia sẻ.
Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng ANZ Việt Nam cho biết trong bối cảnh hiện nay nhà băng luôn tìm những cách tốt nhất để tiếp cận khách hàng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho rằng, cho vay đối tượng khách hàng cá nhân, nhà băng vừa có thể thu được lãi suất cao hơn doanh nghiệp, lại vừa phân tán được rủi ro.
Lãnh đạo của TienPhong Bank cũng từng ví von việc dồn sức đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, tập trung vào khách hàng cá nhân như hành động “chăm chỉ nhặt bạc lẻ” của ngân hàng hiện nay.
Trong khi đó, lý giải về việc các nhà băng bỗng nhiên "hào phóng" với khách hàng cá nhân vay tiền mua nhà, giám đốc một ngân hàng cổ phần nói thẳng: "Đương nhiên khi tín dụng với các đối tượng khác không ăn thua thì phải chuyển sang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, mua nhà thôi".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trước tình hình kinh tế khó khăn, việc đẩy mạnh tín dụng thông qua đối tượng này không phải dễ dàng. Theo ông Nguyễn Thanh Toại, dù hạn mức cho vay mua nhà của ACB là 5.000 tỷ đồng nhưng số hồ sơ muốn vay rất ít. Nguyên nhân theo ông là thị trường bất động sản vẫn khó bán trong khi người mua còn khá dè dặt.
Thực tế cũng cho thấy, với một số người có nhu cầu mua nhà thực sự, chưa cần bàn đến lãi suất họ đã bị "tắc" ở tài sản thế chấp. Chị Hải An (Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân, Hà Nội) bộc bạch, những khuyến mại của ngân hàng chưa thực sự hấp dẫn. Chị lý giải: "Lãi suất 'mồi nhử', quà tặng kèm... là một phần nhưng quan trọng vẫn là tài sản thế chấp. Tôi đi hỏi thì một số ngân hàng vẫn không nhận thế chấp sổ đỏ ở các khu vực ngoại thành Hà Nội nên rất khó cho chúng tôi".
Chia sẻ vấn đề này, Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng nhìn nhận, dù nhiều nhà băng tung ra đủ kiểu khuyến mãi để thu hút khách vay cá nhân như giảm lãi suất, tặng quà, hoặc ưu đãi nhiều chương trình hấp dẫn cho người vay... nhưng tín dụng vẫn không hề tăng cao, thậm chí gần như đứng yên.
"Do đó, theo ông Lịch, trong khi tín dụng tăng chậm, Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng cho lĩnh vực tiêu dùng và không có gì đáng phải lo ngại", ông nói.
Lệ Chi - Thanh Lan