Thuở sơ khai, khi lãnh thổ Việt Nam chưa thành hình như hiện nay thì vùng đất này chỉ có những bộ tộc hay bộ lạc nhỏ. Họ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của bộ tộc họ, không có tài liệu nào thể hiện chính xác khi đó những bộ tộc này đã có chữ viết riêng hay chưa, tất cả để lại chỉ là những hình vẽ miêu tả trên các di tích hiện còn sót lại để thể hiện phần nào về thuở hồng hoang của đất nước.
Mãi cho đến khi các vương triều phương Bắc xâm lấn mở rộng bờ cõi về phía nam, nước ta trở thành thuộc địa của chúng mà lịch sử gọi là thời kỳ Bắc thuộc kéo dài cả ngàn năm. Khi đó, các vương triều phong kiến phương Bắc đã thực hiện chính sách đồng hóa dân tộc ta, trong đó có việc phổ cập chữ Hán cho nhân dân ta, có lẽ đó là lần đầu tiên Tiếng Việt có thể thể hiện ra bằng chữ viết.
Sau khi kết thúc thời kỳ Bắc thuộc, đất nước ta bước vào thời kỳ “độc lập đứt đoạn” thành lập những vương triều phong kiến của riêng mình. Lúc này, chúng ta cũng vẫn chưa có chữ viết riêng mà vẫn dùng chữ Hán để thể hiện Tiếng Việt. Trải qua nhiều triều đại phong kiến với các mức độ phát triển khác nhau, dần dần văn hóa của dân tộc cũng có sự tiến bộ, tầng lớp sĩ tri trong xã hội đã sáng tạo ra một loại chữ viết mới hay còn gọi là chữ “Nôm”.
(Xem thêm: Bản dịch tiếng Việt không lột tả được cái hay của 'Bắt trẻ đồng xanh')
Chữ “Nôm” thực chất vẫn là chữ “Hán” được vay mượn hầu hết từ chữ Hán, qua quá trình sử dụng có sự lược giản bớt các nét tự trong chữ Hán hoặc ghép các chữ Hán lại thành một chữ mới, hình thành các quy tắc riêng và dần trở nên được phổ biến nhiều hơn. Tuy nhiên, chữ Hán vẫn được dùng là chính để thể hiện Tiếng Việt.
Văn hóa chữ Nôm cũng dần biến mất khi Pháp đô hộ đất nước ta, chữ Hán bị cấm dạy ở các trường học mà thay vào đó là học tiếng Pháp và các ký tự chữ của Pháp văn.
Trước thời kỳ này, các tôn giáo cũng bắt đầu được du nhập vào đất nước ta trong đó có Ky-tô giáo. Để truyền đạo cho người dân Việt, các tu sĩ truyền đạo đã sử dụng các ký tự La- tinh để sáng tạo ra một loại chữ viết mới phù hợp với các âm điệu Tiếng Việt để truyền đạo cho người Việt được thuận lợi hơn và đó chính là chữ Quốc ngữ hiện nay chúng ta đang sử dụng.
Người có công lớn nhất trong việc xây dựng bảng chữ cái chữ Quốc ngữ tiếng Việt là Alexandre de Rhodes một nhà truyền giáo người Pháp, được xem là ông tổ của chữ Quốc ngữ Việt Nam. Sau đó, chữ Quốc ngữ được công nhận và phổ cập rộng rãi và là chữ viết chính thức để thể hiện tiếng Việt.
(Xem thêm: Chàng trai Tây thay đổi hành vi vì học tiếng Việt)
Đó là toàn bộ sơ lược lịch sử chữ viết của Việt Nam chúng ta. Có thể thấy rằng, chúng ta không có hay nói cách khác là không sáng tạo hay xây dựng riêng cho mình một bộ chữ cái để thể hiện tiếng nói của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta sử dụng chữ Hán của Trung Quốc và chữ Quốc ngữ hiện nay đang sử dụng cũng do một nhà truyền giáo người Pháp sáng tạo ra cho chúng ta sử dụng.
Nói đến đây, tôi chợt thấy thoáng buồn lòng, dân tộc ta thừa sức sáng tạo để xây dựng được một bộ chữ viết mang bản sắc của riêng mình để thể hiện ngôn ngữ của dân tộc mình. Nhưng lịch sử không cho chúng ta có được những năm tháng yên bình đủ lâu để có thể phát triển văn hóa mà thay vào đó dân tộc ta phải gồng mình để chống trả các đợt xâm lăng của ngoại bang, bảo vệ bờ cõi.
Mãi cho đến những tháng cuối năm của năm 2017, PGS TS Bùi Hiền, sau nhiều năm nghiên cứu đã công bố kết quả nghiên cứu của mình chỉ ra những bất cập trong cách viết tiếng Việt và đề xuất cải cách bằng một bảng chữ cái mới với các quy tắc và cách viết mới để thể hiện tiếng Việt.
Theo nghiên cứu của PGS-TS Bùi Hiền thì cách viết mới giúp tiết kiệm thời gian hơn, thống nhất sử dụng một ký tự thể hiện cho nhiều âm sắc giống nhau trong tiếng Việt như “Q, K, C” thay bằng một ký tự “K” dùng cho tất cả các âm sắc tương tự và giúp người học dễ học và dễ phân biệt hơn.
Tuy nhiên, công trình nghiên cứu và giải pháp của Phó giáo sư Bùi Hiền đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía cộng đồng xã hội. Nhiều người phản ứng bằng cách chửi, châm biếm, đả kích… rất kém văn hóa. Tôi không nhận thấy nhiều sự phản biện có logic đối với đề xuất này và nhận thấy rằng vấn đề là đa số người trong xã hội không hiểu được tính khoa học và phản ứng theo cảm xúc khi thói quen của họ bị đe dọa thay đổi.
(Xem thêm: Giáo viên Tây lý giải vì sao người Việt khó học tiếng Anh)
Trước hết cần phân biệt, “tiếng Việt” và “chữ Việt”. Tiếng Việt là tiếng nói của người Việt còn chữ Việt là chữ viết của người Việt để thể hiện tiếng nói khi được viết ra. Tiếng nói người Việt cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thay đổi, cái thay đổi là chữ Viết mà thôi. Chúng ta đã từng nói tiếng Việt nhưng viết chữ Hán, chúng ta đã từng nói tiếng Việt nhưng Viết chữ Nôm, chữ Pháp ngữ và hiện nay là chữ Quốc ngữ. Việc nói thuận theo quy tắc của chữ Quốc ngữ hiện nay là một thói quen theo quy ước, quy tắc đã được dạy từ khi bạn học lớp 1. Nếu khi bắt đầu học chữ, bạn được dạy rằng khi nói “Quốc tế” thì viết ra là “Kuốc tế” thì mãi mãi sau này điều đó sẽ trở thành thói quen của bạn và bạn mặc định nó không thể thay đổi. Nhưng không, tất cả quy tắc đều có thể thay đổi, vấn đề là cần thời gian bao lâu để thay đổi mà thôi.
Công trình nghiên cứu của Phó giáo sư Bùi Hiền rất sáng tạo, rất mới, rất hay nhưng để thay đổi một thói quen không phải là điều dễ dàng, vì vậy, đề xuất táo bạo của Phó giáo sư Bùi Hiền không thực sự có tính khả thi bởi vì trong tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đã ổn định như thời kỳ hiện nay thì việc thay đổi, cải sửa chữ viết là không cần thiết vì nó gây tốn kém tiền bạc, thời gian, nguồn lực của xã hội khi cải sửa. Thay vào đó, chúng ta chọn phương án giữ nguyên chữ Quốc ngữ như hiện nay và học thêm Tiếng Anh, Tiếng Trung để hội nhập với thể giới có lẽ là phương án khả thi hơn.
Thay vì hùa theo tâm lý đám đông để chửi, châm biếm, đả kích thì tôi hy vọng mọi người trong xã hội Việt Nam chúng ta hãy dành vài phút để nhìn vấn đề ở nhiều góc độ rồi có những phản biện văn hóa, logic thì xã hội sẽ phát triển hơn, văn hóa, dân trí cao hơn. Chửi rủa một ai đó không phải là phản biện.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.