Nghe tiếng cồng báo động, Lei, người sở hữu một quán trà tại huyện Khai Châu, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, hối hả gói ghém đồ đạc, vật dụng trong nhà sơ tán đến nơi an toàn từ trước khi nước lũ ập tới. "Tiếng cồng báo động đã giúp mọi người có đủ thời gian cần thiết để sơ tán", người phụ nữ này nói.
Từ ngày 15/7, mưa lớn không ngừng trút xuống đoạn sông Trường Giang chảy qua Khai Châu. Người làng và cán bộ thay phiên nhau tuần tra, canh gác, mang theo cồng chiêng để sẵn sàng báo động nguy hiểm khi nước lũ dâng lên.
Chiêng, đồ vật được sử dụng từ thời cổ đại, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lũ ở vùng nông thôn Trung Quốc. "Lũ đôi khi ập đến lúc nửa đêm hoặc chỉ trong vài giờ, mọi người sẽ được báo động khi nghe tiếng chiêng vang lên", Zou Pinsheng, chủ tịch huyện Khai Châu, nói.
Bên cạnh chiêng, hệ thống loa phóng thanh cũng phát huy hiệu quả trong cảnh báo lũ khẩn cấp. Tại thị trấn Điền Bá, huyện Vu Khê, Trùng Khánh, nước sông tràn bờ và đổ vào thị trấn lúc 3h sáng 16/7.
"Dậy ngay và ra khỏi nhà! Lũ đang đến", Yuan Zhujun, một cán bộ thị trấn, hét lên qua loa phóng thanh. Mọi người đang ngủ bị tiếng loa của Yuan đánh thức, bắt đầu chạy lũ. Hơn 1.000 người sơ tán trong vòng ba giờ, trước khi mực nước trong thị trấn dâng lên tới hai mét.
Tuy nhiên, tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, cán bộ vẫn phải đi tới từng thôn, gõ cửa từng nhà để cảnh báo, đặc biệt tại những khu vực chủ yếu là người già sinh sống, những người thường lãng tai và chậm chạp.
Fu Shanxiang, bí thư đảng ủy khu dân cư Hương Lư Sơn, huyện Vạn Châu, Trùng Khánh, vẫn đi từ nhà này sang nhà khác để kiểm tra, sau khi hầu hết người dân đã sơ tán sáng 16/6.
Ông tìm một sợi dây, buộc một đầu vào cái cây bên kia đường, đầu kia buộc vào người, nhảy xuống dòng nước ngập tới thắt lưng, lội về phía một cụ ông, một bà mẹ và con gái nhỏ đang kêu cứu trên tầng hai khu chung cư bên đường. Ba người mắc kẹt cuối cùng cũng được cứu.
"Đến từng nhà là điều bắt buộc, chúng tôi sẽ không bao giờ để lại ai bị kẹt trong nhà, đặc biệt là người già", Fu nói.
Dù Trung Quốc đã áp dụng công nghệ máy bay không người lái, hệ thống tuần tra thông minh để chống lũ, các biện pháp được lưu truyền qua nhiều thế hệ như đánh cồng chiêng vẫn thể hiện vai trò quan trọng ở các vùng nông thôn.
"Kiểm soát lũ cuối cùng vẫn phụ thuộc vào con người", chủ tịch huyện Zou Pinsheng nói. "Biện pháp cổ không bao giờ lỗi thời".
Hồng Hạnh (Theo Xinhua)