Hạ lưu sông Dương Tử, hay còn gọi là Trường Giang, bị ảnh hưởng bởi những cơn mưa xối xả từ tháng trước, khiến 141 người chết hoặc mất tích, buộc hàng chục triệu người khắp 27 tỉnh phải sơ tán.
Lũ lụt dọc con sông dài thứ ba thế giới vào mùa hè là cảnh thường thấy từ thời cổ đại, nhưng tình hình ngập lụt năm nay đặc biệt nghiêm trọng. Mưa bão liên tục tăng mạnh từ tuần trước, khiến mực nước ở hàng chục tuyến đường thủy lưu vực Trường Giang dâng cao kỷ lục, trong khi hơn 400 con sông vượt mức cảnh báo, Thứ trưởng Bộ Quản lý Khẩn cấp Trịnh Quốc Quang cho biết trong buổi họp báo hôm 13/7.
"Kể từ tháng 6, lượng mưa trung bình ở lưu vực sông Dương Tử đạt mức cao nhất kể từ năm 1961 tới nay", ông nói.
Giới chức đã theo dõi một trận lũ khi nó tiến gần Vũ Hán, đô thị 11 triệu dân có sông Trường Giang chảy qua và vừa trải qua đại dịch Covid-19. Họ cho biết mực nước sông đang giảm sau khi đỉnh lũ đi qua Vũ Hán hôm 13/7.
Lo ngại giờ hướng về hạ lưu tới hồ Bà Dương, hồ trữ nước ngọt lớn nhất ở Trung Quốc chảy vào sông Trường Giang ở tỉnh Giang Tây, nơi đang bị lũ lụt ảnh hưởng nặng nề.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết mực nước tại một trạm thủy văn quan trọng trên hồ đã phá vỡ mốc kỷ lục năm 1998, năm xảy ra thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất Trung Quốc trong vòng vài thập kỷ gần đây với hơn 4.000 người thiệt mạng. Mực nước hồ đo được hôm 13/7 lên tới 22,6 mét, cao hơn 3,6 mét so với mức cảnh báo cao nhất.
Hơn 100.000 người, bao gồm cứu hộ viên, binh lính, người dân, đang dồn sức ngăn lũ ở Giang Tây. Khoảng một nửa số này được triển khai ở hồ Bà Dương, nơi nhiều tuyến đê bị vỡ.
Tại thành phố Cửu Giang gần khu vực nước hồ chảy vào sông Trường Giang, binh lính mặc áo phao màu cam liên tục gia cố bức tường đắp từ bao cát cao bằng đầu người.
Sông Trường Giang dài thứ ba thế giới, sau sông Nile và Amazon, với lưu vực sông là nơi sinh sống của khoảng 400 triệu người. Mưa mùa hè và băng tan theo mùa tại đầu nguồn ở cao nguyên Tây Tạng là nguyên nhân gây lũ hàng năm.
Tuy nhiên, các nhà môi trường cảnh báo mối đe dọa đang ngày càng lớn hơn qua nhiều thập kỷ, một phần do việc xây đập thủy điện và đê điều tràn lan đã chặn đứng kết nối giữa sông và các hồ chứa lân cận cũng như các vùng bãi bồi đã giúp tích trữ nước suốt nhiều thế kỷ trước. Các nhà bảo tồn cũng cảnh báo sông băng ở dãy Himalaya tan nhanh do biến đổi khí hậu cũng khiến lũ mùa hè nguy hiểm hơn.
Hồng Hạnh (Theo AFP)