Ông cho biết chưa bao giờ mua bán số cổ phần có được từ việc góp vốn thành lập ngân hàng. Ba mươi năm trước lúc ông góp tiền, vốn điều lệ ngân hàng vỏn vẹn 20 tỷ đồng, bây giờ gần bốn mươi nghìn tỷ đồng, gấp hai nghìn lần, chưa kể bao năm được chia cổ tức tiền mặt.
Vợ ông góp cùng số tiền vào một ngân hàng khác cũng có vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Đến nay vốn của ngân hàng ấy chưa tới sáu nghìn tỷ đồng, còn thị giá cổ phiếu lẹt đẹt bảy nghìn đồng. Khi ngân hàng niêm yết hai năm trước giá cổ phiếu gấp rưỡi mệnh giá, bà bán sạch. Nếu giữ đến giờ, không biết bao giờ bà mới hòa vốn.
Câu chuyện của hai vợ chồng bà cho thấy khoảng cách giữa các ngân hàng niêm yết. Cổ phiếu ngân hàng, chiếm hơn 30% giá trị vốn hóa sàn TP HCM, đang là lực lượng đông đảo của chứng khoán. Những chỉ số lớn nhất đều có mặt cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng "gánh" cả thị trường chứng khoán.
Thực trạng trên là "nỗi buồn" dai dẳng của chứng khoán. Đã hơn hai thập kỷ từ khi chứng khoán chào đời, cổ phiếu các ngành nghề sản xuất - thương mại, dịch vụ khác vẫn là thiểu số. Các doanh nghiệp niêm yết lĩnh vực dệt may, giày dép, thủy hải sản, nông sản, xuất nhập khẩu, điện tử, máy móc, công nghệ, viễn thông, hàng không, năng lượng, y tế, dược phẩm, thực phẩm chế biến, bán lẻ, vận tải... có mặt trên sàn với số lượng gần như mang tính đại diện. Một số doanh nghiệp sản xuất có quy mô và vốn hóa tương đối lớn lại "nằm bẹp" trên sàn UPCoM, nơi mà sự minh bạch thông tin còn kém xa HoSE và HNX. Việc chuyển các doanh nghiệp này lên sàn HoSE vẫn ì ạch.
Năm nào tôi cũng nghe cơ quan quản lý đề cập việc "cần làm ngay" để nâng hạng thị trường nhằm thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Nhưng nâng hạng chưa thấy, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang chảy ra. Năm ngoái họ bán ròng gần tỷ USD, năm nay tiếp tục bán. Nguyên nhân chính, ngoài sự thiếu minh bạch thông tin, còn là chuyện nước ngoài vào mà không có gì để mua. Cổ phiếu ngân hàng đa số hết room. Quanh đi quẩn lại, chỉ còn hai, ba chục doanh nghiệp các ngành nghề mà quy mô vốn liếng thỏa tiêu chí cho họ lựa chọn.
Tuy nhiên, không thu hút thêm được vốn ngoại lúc này chứng khoán cũng không đến nỗi "gay cấn". Tất cả nhờ cổ phiếu đang trở thành vùng trũng để tiền trong xã hội chảy vào. Lãi suất tiết kiệm thấp, nhà đất khủng hoảng, vàng, ngoại tệ rủi ro... là điều kiện chín muồi thúc đẩy người ta đầu tư chứng khoán.
Theo giới quan sát, trong khoảng ba tháng nay đang diễn ra sự dịch chuyển đáng ghi nhận trên cả ba sàn chứng khoán: cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh ổn định ngành nghề cốt lõi, không đầu tư tài chính, ít vay hoặc không vay nợ ngân hàng, chia cổ tức tiền mặt hàng năm đều đặn (trong vòng 5-10 năm liền) ở mức 6-7%/năm trở lên tính trên mệnh giá đang được tìm mua. Không giải ngân ồ ạt, các cổ phiếu dạng này được mua từ từ, kiên trì, bất chấp cả những phiên chỉ số VN-Index giảm điểm. Dường như một phần dòng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đã bắt đầu "chèo thuyền" ra khơi, tìm bến bờ đầu tư hiệu quả hơn.
Có điều doanh nghiệp niêm yết tốt, trả cổ tức cao hơn lãi suất tiền gửi không nhiều và cần "đãi cát tìm vàng" mới ra được, trong khi dòng tiền tiết kiệm từ ngân hàng dịch chuyển sang chứng khoán ngày một lớn. Cổ phiếu ngân hàng, cuối cùng, được dòng tiền này giải ngân.
Sự "phân biệt đối xử" xuất hiện trong nhóm cổ phiếu nhà băng. Dòng tiền tiết kiệm không mua mọi cổ phiếu ngân hàng, mà được giải ngân vào những nhà băng loại A, còn gọi là "ngân hàng khỏe". Cổ phiếu ngân hàng khỏe cần đáp ứng những tiêu chí: không công ty sân sau, nợ xấu thấp, chất lượng tài sản tốt, kiểm soát được tỷ lệ cho vay bất động sản, tăng trưởng lợi nhuận hàng năm từ 10% trở lên, hạn chế dính dáng các vụ án tiêu cực, và chia cổ tức bằng tiền hoặc cổ phiếu đều.
Cuộc chạy đua tích lũy các tiêu chí này trong mắt dòng tiền tiết kiệm thông minh đã phân hóa cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu một số ngân hàng đã lên mức cao nhất 52 tuần, thậm chí vượt đỉnh 2-3 năm gần đây (giá sau khi pha loãng tăng vốn và chia cổ tức), nhưng vẫn khá nhiều cổ phiếu nhà băng khác giẫm chân tại chỗ hay chỉ nhúc nhích không đáng kể. Tổng giám đốc một ngân hàng nhận xét bao năm nay mới thấy sự đánh giá của nhà đầu tư thông qua giá cổ phiếu trùng khớp đến thế với nhận định về từng ngân hàng của giới kinh doanh tiền tệ. Nhà đầu tư phớt lờ cổ phiếu những ngân hàng yếu kém, thị giá dưới mệnh giá. Thời cổ phiếu ngân hàng lên cùng lên, xuống cùng xuống với mọi nhà băng có vẻ đã qua rồi.
Vì sao như vậy? Thứ nhất việc xử lý ngân hàng SCB trên thực tế là tích cực xét theo hướng: một điểm có nguy cơ "cháy nổ", tác động dây chuyền, ảnh hưởng tới an toàn hệ thống đã được dập tương đối ổn thỏa. Nhà nước đã và đang kiểm soát SCB. Nhiều ngân hàng từng lo ngại khi nhìn thấy tổng vốn huy động của SCB phình to qua hàng năm và số tiền bị rút ruột tích lũy ngày một nhiều. Nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, có thể không thông tỏ hiện trạng SCB trước đây, nay cũng nắm được thông tin công khai về xử lý SCB qua báo chí.
Thứ hai, ngân hàng là doanh nghiệp đặc thù. Ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, hệ thống nhà băng còn chịu sự điều tiết của Luật Các Tổ chức tín dụng, sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, tức có thêm cơ chế thanh kiểm tra, giám sát riêng của ngành. Nhờ vậy tính minh bạch của cổ phiếu ngân hàng ít nhiều cao hơn các loại cổ phiếu khác.
Thứ ba, cổ phiếu ngân hàng một thời gian dài không bứt phá. Mặt bằng cổ phiếu ngân hàng nhìn chung thấp hơn cổ phiếu các ngành nghề. Thị giá cổ phiếu các ngân hàng cổ phần loại A đang giao dịch quanh 1,5-2 lần giá trị sổ sách. Thị giá cổ phiếu ngân hàng nhỏ giao dịch bằng giá trị sổ sách. Chỉ riêng cổ phiếu của các ngân hàng nửa quốc doanh đang giao dịch quá xa giá trị sổ sách. Bù lại uy tín và thương hiệu của các "ông lớn" đầu ngành ngân hàng vượt trội hơn nhóm nhà băng cổ phần.
Tôi hỏi chủ tịch một công ty chứng khoán liệu sự đầu cơ có đang lấn lướt sự đầu tư cổ phiếu ngân hàng. Theo ông, sự đầu cơ không bao giờ biến mất, song hiện nay rất khó đầu cơ cổ phiếu ngân hàng vì quy mô các ngân hàng quá lớn. Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng đạt hàng trăm triệu đơn vị/phiên. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư biết nhìn nhận khi nào giá cổ phiếu ngân hàng vượt giá trị thật của nó và dừng lại, không tham gia tiếp.
Câu chuyện về cổ phiếu ngân hàng và những cổ phiếu tốt, chia cổ tức đều đặn hấp dẫn dòng tiền nhàn rỗi vốn quen nằm ở tiết kiệm, đang mở ra cơ hội để phát triển thị trường chứng khoán. Bây giờ là thời điểm vàng để tăng cường niêm yết các công ty mới, chuyển công ty lớn từ sàn UpCom lên sàn HoSE.
Làm thế nào để khơi dậy một trào lưu niêm yết mới là công việc của các nhà hoạch định chính sách và quản lý thị trường.
Hải Lý