Thứ hai, 23/12/2024
Thứ hai, 13/4/2020, 15:01 (GMT+7)

Tiến trình xét nghiệm nCoV

TP HCMĐợt cao điểm, các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận đến 2.000 mẫu, phải làm ca đêm để có kết quả xét nghiệm sớm nhất có thể.

Những ngày này, các y bác sĩ trong khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tất bật từ sáng đến đêm để xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của những người cách ly, nghi nhiễm Covid-19.

“Khoa đảm trách công tác xét nghiệm cho Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ; các mẫu của những người ở những trung tâm cách ly”, bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm, cho biết

Mẫu bệnh phẩm do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM chuyển về bất kỳ thời gian trong ngày, được gói kín để trong lọ. Chiều 10/4, bệnh viện tiếp nhận 143 mẫu liên quan đến ổ dịch Buddha Bar & Grill (quận 2). Khi nhận mẫu, kỹ thuật viên sẽ sát khuẩn và đưa vào tủ an toàn sinh học, tiến hành các thao tác xử lý ban đầu trước khi xét nghiệm.

Tủ an toàn sinh học nhằm bảo vệ mẫu bệnh phẩm và bảo đảm an toàn cho kỹ thuật viên trong quá trình thao tác. Công việc này có khoảng 4 đến 6 bác sĩ thao tác.

Trong tủ an toàn sinh học, kỹ thuật viên với trang bị bảo hộ đầy đủ tiến hành khử trùng từng hộp chứa mẫu bệnh phẩm.

Theo bác sĩ Mẫn, hồi chưa có dịch thì mỗi phòng trong khoa một nhiệm vụ nhưng giờ thì hầu như các nhân viên đều tập trung cho công tác xét nghiệm nCoV. Lúc dịch mới xuất hiện ở TP HCM, khoa nhận khoảng 50 mẫu một ngày nhưng vào đợt cao điểm lên đến 2.000 mẫu.

"Chúng tôi phải huy động thêm bộ phận văn phòng tham gia công tác xét nghiệm. Áp lực là rất lớn, mẫu tiếp nhận phải xét nghiệm ngay để trả kết quả sớm nhất có thể", bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn cho biết.

Các mẫu bệnh phẩm là dịch lấy từ trong mũi, họng của những người nghi nhiễm. Sau khi sát trùng kỹ càng, kỹ thuật viên sẽ dán nhãn code cho từng mẫu rồi xếp vào khay bằng kim loại.

Hệ thống nhãn code để phục vụ công tác quản lý, thống kê, lưu thông tin người xét nghiệm. Hiện, mã code xét nghiệm Covid-19 lên đến hơn 14.000, tương đương số mẫu bệnh phẩm đã tiếp nhận trong đợt dịch.

Khoảng 17h, sau khi xử lý dán mã, kỹ thuật viên cho mẫu đem bảo quản tại tủ lạnh chuyên dụng, chờ xét nghiệm theo phương pháp real-time PCR để tìm mẫu dương tính với Covid-19.

Ở một phòng khác, các kỹ thuật viên điều chế dung dịch bảo quản mẫu bệnh phẩm nhằm phục vụ công tác lấy mẫu cho các đơn vị trên địa bàn thành phố.

20h ngày 10/4, mẫu bệnh phẩm của những người ở Buddha Bar & Grill khi đã khử khuẩn, dán mã code trong ca buổi chiều được đưa vào phòng Sinh học phân tử. Phòng này thường trực từ 2 đến 4 bác sĩ làm xét nghiệm để ra kết quả âm hay dương tính với Covid-19.

Trong đợt dịch, các kỹ thuật viên phải tăng cường trực ca đêm. Trung bình mỗi kỹ thuật viên sẽ trực 3 ca đêm mỗi tuần để thực hiện để đúng tiến độ.

"Công việc ở phòng Sinh học phân tử là thực hiện các công đoạn như tiền ly giải, bất hoạt virus, ủ, ly tâm, chạy máy real-time... Phải làm việc trực tiếp với mẫu bệnh phẩm nên tôi phải mặc đồ bảo hộ rất kỹ càng", kỹ thuật viên Trần Nguyễn Thu Thảo cho biết.

Chị Thảo đọc mã code từng mẫu để đồng nghiệp ghi vào phiếu tiến trình xét nghiệm tránh nhầm lẫn. Sau đó, chị tiến hành lấy các mẫu mẫu bệnh phẩm ra để làm ly giải, bất hoạt virus. 

Suốt 11 năm làm việc ở khoa Xét nghiệm, chưa bao giờ chị Thảo làm việc với cường độ và áp lực cao như hiện tại.

Kỹ thuật viên Bùi Thị Tôn Thất bơm vật chất di truyền vào các mẫu đã bất hoạt virus corona trước khi tiến hành tách chiết mẫu bệnh phẩm.

Mẫu đầu tiên chị Thất phát hiện dương tính nCoV là ca bệnh thứ 3 của TP HCM, một bệnh nhân Việt kiều Mỹ vào hồi đầu tháng 2; cũng là kỷ niệm đáng nhớ trong 8 năm theo nghề. Thời điểm này dịch chưa bùng phát, ca trực một mình chị thực hiện. Trong mấy chục mẫu bệnh phẩm, chị nghi ngờ một mẫu dương tính.

“Tôi cùng đồng nghiệp làm thêm các phương pháp xét nghiệm khác để khẳng định bệnh nhân dương tính. Lúc này, tôi thấy hồi hộp vì sợ mình bị lây nhiễm lắm, phải theo dõi sức khỏe trong 14 ngày mới yên tâm”, chị Thất kể lại.

23h30, phòng Sinh học phân tử yên ắng, không ai nói chuyện để tập trung cao độ trong từng công đoạn xét nghiệm. Công việc của họ chỉ kết thúc vào 2h ngày hôm sau khi có kết quả các mẫu bệnh phẩm.

Bước cuối cùng, kỹ thuật viên cho vật chất di truyền vào để máy real-time PCR - nơi cho kết quả dương hay âm tính với Covid-19 của mẫu bệnh phẩm. Lúc này, công đoạn nguy hiểm nhất đã qua, họ được cởi lớp áo, dụng cụ bảo hộ ra.

Mỗi lần chạy máy trung bình 93 mẫu bệnh phẩm. Sau 1,5 giờ sẽ cho kết quả xét nghiệm. Trường hợp mẫu bệnh phẩm âm tính, kỹ thuật viên sẽ ghi nhận vào dữ liệu. Khi kết quả cho dương tính, họ tiếp tục chạy khẳng định thêm lần nữa.

Những ngày đầu dịch, khoa Xét nghiệm triển khai hai đợt xét nghiệm sáng – chiều trong ngày. Do tính chất khẩn và số lượng mẫu tăng cao, khoa gia tăng lên 7 – 8 đợt mỗi ngày.

Giữa đêm, hai kỹ thuật viên Thảo, Thất ngồi trò chuyện trong hành lang, trong lúc chờ kết quả xét nghiệm. Kết thúc công việc, họ cũng ngủ lại bệnh viện.

"Lần đầu làm việc với mẫu, ai nào cũng sợ lây nhiễm. Phải qua quá trình tập huấn chúng tôi mới tự tin hơn. Tuy vất vả nhưng được sự hỗ trợ của gia đình, đồng nghiệp, tôi và kíp trực vẫn luôn cố gắng để trả kết quả sớm nhất cho các đơn vị chuyển mẫu bệnh phẩm về", chị Thảo chia sẻ.

 Quỳnh Trần - Hồng Ngân