![]() |
Tổng thống Pháp Jacques Chirac (trước) và Thủ tướng Lionel Jospin. |
Hệ thống bầu cử
Ở Pháp, Tổng thống được chọn thông qua bỏ phiếu trực tiếp trong hai vòng.
16 ứng cử viên sẽ tham gia vòng một cuộc bầu cử ngày mai. Nếu không ai thu đủ 50% số phiếu, thì hai người giành được số phiếu cao nhất sẽ tiếp tục tham gia vòng hai vào ngày 5/5. Địa điểm bỏ phiếu sẽ bắt đầu mở cửa từ 8h sáng (giờ địa phương) cho tới 6h tối ở hầu khắp đất nước. Còn tại các thành phố lớn như Paris, Lyon và Marseille, cử tri có thể đi bỏ phiếu tới 8h tối.
Phương pháp kiểm phiếu
Pháp sử dụng phiếu giấy và kiểm bằng tay. Cử tri nhận một số tờ giấy, mỗi tờ ghi tên ứng cử viên khác nhau. Họ vào phòng kín để chọn tờ giấy ghi ứng viên rồi đặt trong phong bì. Sau đó, phong bì được cho vào hòm phiếu
Cử tri
Tại Pháp, có khoảng 40 triệu cử tri đăng ký trên tổng số dân 60,4 triệu. Công dân từ 18 tuổi trở lên được quyền đi bầu. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1995, có 79,4% cử tri tham gia vòng một và 79,7% tham gia vòng hai.
Chính phủ
Pháp là nước cộng hòa theo nền dân chủ đại nghị. Nguyên thủ quốc gia là tổng thống. Nhân vật này sẽ đề cử thủ tướng. Chính phủ được thành lập dựa trên kết quả bầu cử quốc hội được tổ chức 5 năm một lần.
Tổng thống Jacques Chirac thuộc Đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa, trúng cử năm 1995. Sau cuộc bầu cử nghị viện năm 1997, Chính phủ Pháp là liên minh cánh tả gồm Đảng Xã hội, Đảng Xanh và Đảng Cộng sản Pháp, nằm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lionel Jospin, Đảng viên Xã hội. Việc chia sẻ quyền lực giữa cánh tả và cánh hữu được coi là "cùng chung sống".
Chức tổng thống
Sau cuộc cải cách năm 2001, tổng thống sẽ được bầu 5 năm một lần. Trước đây, nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 7 năm trở xuống. Với vai trò là nguyên thủ quốc gia, tổng thống còn là tổng tư lệnh, có quyền bổ nhiệm thủ tướng và giải tán quốc hội. Tổng thống là người chịu trách nhiệm chính sách quốc phòng và đối ngoại, trong khi thủ tướng chịu trách nhiệm về các vấn đề đối nội.
Ứng cử viên tổng thống
Dưới đây là 16 ứng cử viên trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 21/4:
- Jacques Chirac: Đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa (theo trường phái de Gaulle)
- Lionel Jospin: Đảng Xã hội
- Jean-Marie Le Pen: Mặt trận Dân tộc (cực hữu)
- Jean-Pierre Chevenement: theo đường lối Cộng hòa (trung dung, hoài nghi về một châu Âu thống nhất)
- Alain Madelin: Đảng Dân chủ Tự do (tư tưởng thị trường tự do)
- Francois Bayrou: Liên hiệp Dân chủ Pháp (trung dung, ủng hộ châu Âu thống nhất)
- Arlette Laguiller: Cuộc đấu tranh của công nhân (tư tưởng Trotskyite)
- Christine Boutin: ứng cử viên độc lập (trung dung)
- Noel Mamere: Đảng Xanh
- Robert Hue: Đảng Cộng sản
- Corinne Lepage: ứng cử viên bảo thủ độc lập
- Christiane Taubira: Đảng cấp tiến trung tả
- Bruno Megret: Phong trào Cộng hòa Quốc gia (cực hữu)
- Daniel Gluckstein: Đảng Công nhân (tư tưởng Trotskyite)
- Jean Saint-Josse: Đảng Truyền thống, Tự nhiên, Nghề cá, Săn bắt
- Olivier Besancenot: Liên đoàn Cách mạng Cộng sản (tư tưởng Trotskyite)
Quốc hội
Sau kết quả bầu cử Quốc hội năm 1997, Hạ viện Pháp có cơ cấu như sau:
- Đảng Xã hội: 239 ghế (cộng với 9 ghế ủy quyền)
- Đảng Tập hợp vì nền Cộng hoà: 129 ghế (6 ủy quyền)
- Liên hiệp Dân chủ Pháp: 62 ghế (5 ủy quyền)
- Dân chủ Tự do: 41 ghế (2 ủy quyền)
- Đảng Cộng sản: 33 ghế (2 ủy quyền)
- Đảng Xanh: 30 ghế
Những tổng thống gần đây
Nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp được thành lập năm 1958, sau khi tướng Charles de Gaulle trúng cử Tổng thống và thay đổi Hiến pháp. Những tổng thống từ đó đến nay là:
- Charles de Gaulle (trường phái de Gaulle): 1958-69
- Georges Pompidou (trường phái de Gaulle): 1969-74
- Valery Giscard d'Estaing (trung dung): 1974-81
- Francois Mitterrand (Xã hội): 1981-95
- Jacques Chirac (trường phái de Gaulle): 1995-2002
Ai sẽ được bầu?
Người Pháp chọn tổng thống mới với nhiệm kỳ 5 năm vào ngày 21/4 và 5/5. Sau đó, họ sẽ trở lại địa điểm bỏ phiếu để chọn hạ nghị sĩ vào 9 và 16/6. Dự tính kết quả bầu cử Quốc hội sẽ phản ánh thắng lợi của đảng nào có ứng cử viên giành ghế tổng thống.
Ai là ứng cử viên chính?
Tổng thống Jacques Chirac và Thủ tướng Lionel Jospin là những ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua giành ghế tổng thống. Tuy nhiên, các ứng cử viên từ những đảng nhỏ hơn cũng thực hiện chiến dịch tranh cử rất tốt. Số đó là:
- Jean-Marie Le Pen, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc cực hữu
- Arlette Laguiller, người theo đường lối Trotskyite, ra tranh cử lần thứ 5
- Jean-Pierre Chevenement, cựu bộ trưởng thuộc Đảng Xã hội, nay theo đường lối Dân tộc Cộng hòa
Bầu cử tổng thống diễn ra như thế nào?
Một ứng cử viên có thể giành thắng lợi ngay từ vòng đầu nếu người đó thu được đa số tuyệt đối (trên 50% số phiếu). Nếu không ai đạt được tiêu chuẩn trên, thì vòng hai sẽ diễn ra hai tuần sau đó với hai ứng cử viên giành được số phiếu cao nhất.
Danh sách ứng cử viên cuối cùng hoàn thành vào đầu tháng 4. Những người có triển vọng phải đệ trình danh sách 500 chữ ký ủng hộ từ các thị trưởng và quan chức dân bầu ở các khu vực.
Những vấn đề cử tri quan tâm là gì?
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri là luật pháp và trật tự - vấn đề nổi lên sau vụ bắn súng vào phiên họp hội đồng thành phố ở ngoại ô Paris hôm 27/3. Ông Chirac, người cam kết sẽ thực hiện chính sách không tha thứ những kẻ phạm tội, chỉ trích đối thủ Jospin là đã không thể giải quyết vấn đề này trong nhiệm kỳ thủ tướng. Cả hai ứng cử viên đều đề xuất thành lập một bộ an ninh mới để chống tội phạm.
Một vấn đề nóng bỏng khác là an sinh xã hội và lương hưu. Ông Chirac muốn đưa ra quỹ lương hưu cố định, còn ông Jospin thì không.
Một vấn đề khác là có tiếp tục thực hiện chế độ làm việc 35 giờ/tuần không. Ông Jospin, người đề ra chính sách này, cho rằng nên giữ nguyên. Trong khi đó, ông Chirac đề nghị một số sửa đổi có thể thay đổi tinh thần của Luật Lao động, như vấn đề làm ngoài giờ.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong cuộc bầu cử này là sự thờ ơ của các cử tri. Nguyên nhân là những vụ bê bối tham nhũng và các đảng phái chính không thể giải thích rõ cho các cử tri về chương trình hành động của mình. Do vậy, có khả năng sẽ có ít cử tri tham gia bỏ phiếu.
"Cùng chung sống"
Cho tới nay, các tổng thống Pháp có nhiệm kỳ 7 năm. Trong khi đó, Quốc hội lại được bầu 5 năm một lần. Quy định này dẫn đến tình trạng "chung sống" giữa một tổng thống của một đảng phái chính trị với một thủ tướng của đảng khác, như Tổng thống Chirac và Thủ tướng Jospin hiện nay.
Kể từ cuộc bầu cử này, tổng thống sẽ được bầu cùng năm với các nghị sĩ (rút ngắn nhiệm kỳ tổng thống từ 7 năm xuống còn 5 năm). Việc này nhằm mục đích tạo ra một chính phủ mạnh hơn. Tuy nhiên, quy định trên không đảm bảo rằng việc "sống chung" sẽ tiếp tục dù hai cuộc bầu cử diễn ra đồng thời.
Hạnh Dung (theo BBC)