Ông Hậu - với kinh nghiệm làm giám đốc Công ty Cơ khí Tây Ninh - cho rằng kẽ hở lớn nhất của luật hiện hành là phương pháp tính thuế, tổ chức thu, và đang ngày ngày gây thiệt hại cho ngân sách, gây bất bình đẳng giữa người làm ăn nghiêm túc và kẻ dối gian. Một “liên minh ma quỷ” có thể được thành lập giữa các doanh nghiệp để móc túi nhà nước: Cơ sở A làm nghĩa vụ với nhà nước theo phương pháp tính thuế trực tiếp, hàng lấy từ doanh nghiệp B nhưng không lấy hóa đơn, như vậy cứ 100 triệu đồng doanh thu thì trốn được 5-10 triệu đồng tiền VAT và 2-5 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp C dùng hóa đơn của B (do A không lấy) để đưa vào chi phí, trốn được 28 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời rút ruột ngân sách được 4,7-9,1 triệu đồng tiền VAT đầu vào. Tổng cộng ngân sách thiệt ít nhất 40 triệu đồng. “Cơ quan thuế có nối mạng toàn quốc cũng khó mà phát hiện được, bởi hóa đơn rất khớp” - ông Hậu nhận xét.
Cách gian lận thuế này đã được ông Hậu nêu ra từ kỳ họp trước nhưng đến nay chưa có biện pháp nào khắc phục. Cứ tiếp tục hành thu như Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành thì “thuế giống như miếng mỡ ngon đem để trước mặt trăm con mèo, không che đậy, chỉ giáo dục các chú phải nâng cao đạo đức, kìm chế ham muốn”. Theo ông, cần có biện pháp “che đậy để mèo chỉ có thể đứng ngoài mà nhìn, rồi bỏ đi bắt chuột”.
Với dự luật của Chính phủ, ông Hậu góp ý không nên coi thanh toán qua ngân hàng là điều kiện để được khấu trừ thuế với hàng hóa dịch vụ xuất khẩu, bởi điều này “hoàn toàn vô nghĩa với doanh nghiệp có ý đồ gian lận trong khấu trừ thuế”. Trong khi người kinh doanh xuất khẩu có những phương thức thuận lợi khác để thanh toán. Việc đặt nạng, xe lăn, dụng cụ chuyên dùng của người tàn tật ra ngoài đối tượng chịu thuế như dự thảo không có ý nghĩa nhân đạo. Bởi không phải đóng thuế thì cũng không được hoàn số thuế đã đóng với nguyên liệu đầu vào. Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Hậu, cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan thuế khi ghi sai hoặc hoàn thuế chậm cho doanh nghiệp. “Đề nghị hoàn thuế chậm quá thì cơ quan thuế phải trả lãi cho doanh nghiệp theo lãi suất vay ngân hàng”.
Khác với ông Hậu, nhiều đại biểu tỏ ý đồng tình với phạm vi sửa đổi của dự luật. Họ chỉ đề nghị giảm thuế hơn nữa với một số ngành hàng. Đại biểu Huỳnh Văn Chính đề nghị chỉ đánh thuế VAT 5% với hàng dệt may, thay vì 10% như hiện nay. Ông Mai Anh cho rằng thiết bị công nghệ thông tin, truyền thông cần chuyển từ 5% sang nhóm hưởng thuế suất 0%. Đại biểu Lê Văn Đông, Lâm Văn Kỷ đề xuất miễn hoàn toàn thuế VAT với ngành đường thay vì 5% như dự thảo (hiện tại là 10%)... Đề nghị của Chính phủ giao Ủy ban Thường vụ sửa đổi, bổ sung danh mục chịu thuế bị hầu hết đại biểu phản đối. Họ thống nhất rằng quyết sách về thuế Hiến pháp quy định là thẩm quyền của Quốc hội thì không thể để Ủy ban Thường vụ làm.
Đưa hay không xe máy vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nội dung chính trong buổi thảo luận chiều 21/5, về sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Đại biểu Đỗ Hoàng Anh cho rằng đánh thuế với xe 25 triệu đồng trở lên như dự luật không có ý nghĩa nào về mặt ngân sách. Bởi xe có giá cao hơn như vậy chiếm tỷ lệ không lớn trong số phương tiện giao thông hiện tại. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết so sánh: “Miễn thuế nông nghiệp cho dân giỏi lắm mỗi hộ đỡ được 200.000 đồng/năm. Nếu đánh thuế với phương tiện đi lại thông dụng của dân thì mỗi chiếc người dân mất đứt vài triệu đồng”. Theo một số đại biểu, nếu vì mục đích tăng thu ngân sách thì nên đánh thuế nặng hơn vào các dịch vụ giải trí, bia rượu, thuốc lá.
Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận về sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Ngân hàng nhà nước. Hai luật này cùng luật về thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt sẽ được thảo luận và thông qua ngay tại kỳ họp này theo thủ tục làm luật tại một kỳ họp. Những luật lớn khác như sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhà nước, Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ được thông qua theo thủ tục tại hai kỳ họp.
Nghĩa Nhân