Người dân Trung Quốc không lạ lẫm với thanh toán điện tử. Họ có thể mua sắm quanh Thượng Hải và Bắc Kinh chỉ với một chiếc smartphone cài ứng dụng Alipay hay WeChat Pay, thay vì cầm theo chiếc ví nhét đầy tiền giấy. Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang thử nghiệm phiên bản kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ, và có thể tiếp tục thử nghiệm ở quy mô lớn hơn tại Olympic Bắc Kinh năm 2022.
Một số người quan sát cho rằng tiền số có thể thúc đẩy quyền lực của chính phủ trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Một ngày nào đó, nó thậm chí có thể xoay chuyển cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu.
Hiện tại, phần lớn giao dịch tiền trên nền tảng điện tử là qua tài khoản ngân hàng. Tiền số của Trung Quốc được thiết kế để trở thành một phiên bản điện tử của tiền giấy, hoặc tiền xu. Nó nằm trong ví điện tử cài trong điện thoai, thay vì ví tiền thật. Giá trị của nó cũng được chính phủ bảo đảm.
Tuy nhiên, nó sẽ dễ dùng hơn và giao dịch nhanh hơn tiền giấy. Cách thức này cũng sẽ cho phép chính phủ Trung Quốc có quyền kiểm soát mà họ không thể có như với tiền giấy. Chương trình thử nghiệm nhân dân tệ kỹ thuật số đã bắt đầu với quy mô nhỏ hồi tháng 4, giới hạn tại các thành phố Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Hùng An.
Một điều giới chức cần thận trọng là không để tiền số lấn át các dạng tiền khác, như tiền gửi trong ngân hàng. Các nhà băng cần tiền gửi để cho vay. Tiền số cũng có thể là đối thủ cạnh tranh của hai đại gia công nghệ Alibaba và Tencent - chủ sở hữu ứng dụng thanh toán Alipay và WeChat.
Thanh toán trong tiêu dùng thông qua ứng dụng hiện chiếm 16% GDP của Trung Quốc. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với chưa đầy 1% của Mỹ và Anh. Giới chức đã bày tỏ lo ngại về việc một lượng lớn nền tài chính nội địa đang nằm trong tay một vài công ty.
"Những đại gia công nghệ này đem đến cho chúng ta nhiều thách thức và rủi ro tài chính", Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) Yi Gang cho biết trong một hội thảo năm ngoái, "Anh thấy đấy, trong cuộc chơi này, người thắng sẽ có tất cả. Vì thế, độc quyền là một thách thức".
Sự trỗi dậy của các loại tiền kỹ thuật số độc lập, như Bitcoin và Ethereum cũng tạo ra mối đe dọa rằng lượng lớn hoạt động kinh tế sẽ nằm ngoài tầm quan sát của giới chức. Trung Quốc những năm gần đây rất tích cực kiểm soát việc sử dụng các tiền tệ này.
Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy tiềm năng của tiền số, miễn là kiểm soát được phần nào. Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu việc phát hành tiền số riêng của nước này năm 2014. "Họ nỗ lực rất lớn, vì nhận thấy cơ hội của việc trở thành người đứng đầu toàn cầu trong mảng này", Andrew Polk - đồng sáng lập hãng tư vấn Trivium China cho biết.
Dù tiền số có thể còn nhiều năm nữa mới phát hành trên cả nước, động thái của Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng đe dọa sự thống trị tài chính của Mỹ. Aditi Kumar và Eric Rosenbach tại Trường Harvard Kennedy cho biết phiên bản số của đồng nhân dân tệ có thể cho phép Iran và các nước khác dễ dàng lách lệnh trừng phạt của Mỹ, hoặc giúp tiền tệ lưu chuyển mà không bị giới chức Mỹ phát hiện. Vì có thể đến một ngày, loại tiền này có thể được giao dịch xuyên biên giới và không cần qua hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng đôla.
Dù vậy, không phải ai cũng lo lắng đến thế. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cho biết vai trò tiền tệ được ưa chuộng nhất thế giới của đôla Mỹ bị đe dọa "không phải là điều đáng quan tâm". Ông cho rằng kể cả nếu nhân dân tệ số được sử dụng phổ biến trên thế giới, đôla Mỹ vẫn được tin tưởng hơn, và dầu thô hay các hàng hóa quan trọng khác vẫn được định giá bằng USD.
Khi tiền số này được sử dụng chính thức, các cá nhân sẽ trao đổi chúng thông qua ví điện tử và không cần tài khoản ngân hàng nữa. Việc này sẽ giúp tiền số đến với 225 triệu người Trung Quốc không tiếp cận được hệ thống ngân hàng. Tại các vùng quê, nhân dân tệ số còn giúp thúc đẩy tăng trưởng và giảm lừa đảo, do việc theo dấu giao dịch dễ dàng hơn.
PBOC cũng sẽ dễ giám sát đường đi của tiền hơn, thậm chí có thể đặt hạn chế với quy mô một số giao dịch. Một số nhà quan sát băn khoăn liệu các thanh toán này có phụ thuộc vào hệ thống tín nhiệm xã hội (chấm điểm hành vi công dân) hay không. Họ lo ngại những người có điểm tín nhiệm thấp sẽ bị bỏ lại phía sau. "Mục tiêu của Trung Quốc không phải là giúp thanh toán tiện lợi hơn, mà là để thay thế tiền mặt, giúp họ giám sát tốt hơn", Aaron Brown - nhà đầu tư tiền số cho biết trên Bloomberg Opinion.
Kể cả nếu tiền số này được phát hành tại Trung Quốc, người ta cũng chưa rõ nó có được cho phép giao dịch xuyên biên giới hay không. Người dân sẽ đón nhận một phương pháp thanh toán quốc tế an toàn, nhanh chóng. Hiện tại, các giao dịch ngoại hối thường mất 1-2 ngày mới hoàn tất. Việc phổ biến đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cũng có thể khuyến khích các nước và người dân sử dụng công nghệ Trung Quốc và cuối cùng là tiền tệ của nước này.
"Rất có khả năng các nước sẽ chấp nhận bộ khung của Trung Quốc. Lợi thế của người đi đầu sẽ biến thành mạng lưới vững mạnh", Matthew Graham - CEO Sino Global Capital nhận xét, "Đây là kịch bản tốt nhất với Trung Quốc".
Dù vậy, Trung Quốc có thể vẫn lo lắng về việc lách luật kiểm soát vốn - được dùng để ngăn dòng vốn ồ ạt chảy khỏi nước này. Bắc Kinh đã siết kiểm soát vốn sau đợt nhân dân tệ mất giá mạnh năm 2015. Da Hongfei - nhà sáng lập nền tảng khối chuỗi Neo cho biết PBOC có thể tách riêng một phần tiền số để sử dụng bên ngoài Trung Quốc, tương tự cách họ quản lý nhân dân tệ hiện tại.
Một khi ra mắt trong nước, mọi việc sẽ diễn tiến rất nhanh. Hơn 80% người dùng smartphone tại Trung Quốc thường xuyên giao dịch bằng điện thoại. Đây là tỷ lệ cao nhất thế giới, theo UBS.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng rất hào hứng trước các công nghệ tài chính mới. Yu’E Bao - quỹ quản lý tiền tệ online ra mắt năm 2013 - từng trở thành lớn nhất thế giới. Nó khiến hệ thống ngân hàng chịu ảnh hưởng nhiều đến mức năm 2017, PBOC phải ra tay can thiệp. Vì thế, tiền số lần này sẽ là phép thử liệu người tiêu dùng Trung Quôc có tin vào công nghệ tiền mới, cũng như quyền lực đằng sau nó hay không.
Hà Thu (theo Bloomberg)