- Có ý kiến cho rằng rủi ro nợ công hiện nay không nằm ở con số mà do chưa phản ánh hết các nguy cơ. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Tiến sĩ Phạm Thế Anh. |
- Theo công bố chính thức của Bộ Tài chính, nợ công Việt Nam đến hết năm 2012 bằng 55,7% GDP, trong đó nợ Chính phủ 43,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,6% và nợ của chính quyền địa phương 0,8% GDP. Tuy nhiên, nếu cộng cả nợ doanh nghiệp Nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ công của Việt Nam sẽ phải lên tới 98,2% GDP, bởi khi một số doanh nghiệp Nhà nước rơi vào thua lỗ, không trả được nợ sẽ là mầm mống đe dọa an toàn nợ công quốc gia.
Do vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề nợ công, trước tiên phải có sự minh bạch thông tin để làm rõ số nợ thực sự là bao nhiêu. Chúng ta có khả năng cập nhật, công bố song thời gian qua chưa làm được việc đó. Nếu tiếp tục tình trạng không minh bạch như hiện nay thì rủi ro ngày càng tích tụ và sẽ có lúc đến thời điểm xảy ra vạch đỏ - giới hạn của việc xảy ra khủng hoảng nợ công.
Hiện tại, nói nợ công tới đâu gọi là vạch đỏ thì rất khó, mà chỉ có thể nói rằng chúng ta đang ngày càng tiến gần hơn giới hạn đó.
- Theo ông cần giải pháp nào để minh bạch thông tin về nợ công?
- Chúng ta cần thêm những sức ép từ cơ quan giám sát, công luận để thông tin được minh bạch và cập nhật thường xuyên. Quốc hội, cơ quan giám sát cần yêu cầu công khai số liệu, thực trạng nợ công ở mức thường xuyên như thế nào. Ngoài ra, báo chí cũng cần đề cập đến vấn đề này để thấy rõ sự thực thi trong quản lý nợ công đến đâu.
- Ông nhìn nhận thế nào về cơ cấu nợ công hiện nay?
- Nợ công chia làm hai phần, nợ trong nước và nợ nước ngoài. Nợ nước ngoài hiện chủ yếu bằng đồng tiền mạnh như đôla Mỹ, Yên Nhật, do vậy sẽ chịu rủi ro về tỷ giá. Có ý kiến cho rằng cần điều chỉnh tỷ giá để kích thích xuất khẩu, song vấn đề này sẽ gây rủi ro cho nợ công. Còn nợ công trong nước vướng phải vấn đề kỳ hạn do nợ hiện nay chủ yếu là ngắn hạn. Rủi ro thứ hai là lãi suất, tính bình quân lãi suất trái phiếu hiện khoảng 9% một năm.
- Nợ công cao, trong khi ngân sách Việt Nam đang rất khó khăn do thu giảm, chi lại tăng. Có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Thu ngân sách Nhà nước đang ngày càng khó khăn, khiến tỷ lệ thu trên nợ công - đo lường khả năng trả nợ của Chính phủ - giảm đi, nguyên nhân do thu ngân sách phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn không ổn định. Hiện thu ngân sách dựa vào dầu thô, song nếu giá dầu thô giảm thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Thu từ bán tài sản Nhà nước cũng chỉ được một lần khi thanh lý, các nguồn thu từ thuế nguy cơ giảm đi khi Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế.
Về phía chi, nhìn kỹ vào bảng cấn đối ngân sách Nhà nước, có thể thấy kỷ luật tài khóa chưa nghiêm. Quốc hội phê chuẩn số chi dự toán nhưng cuối năm lại vượt kế hoạch, song cơ quan giám sát lại rơi vào thế bị động khi không theo dõi được từng quý, chỉ đến cuối năm được thông thông báo thì mọi sự đã rồi. Nguyên nhân cũng là do thiếu minh bạch thông tin.
Ngân sách Nhà nước cũng gặp phải vấn đề khi gánh nặng trả lãi và nợ vay ngày càng tăng lên, trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, đặc biệt là có tình trạng vay để phục vụ chi tiêu dùng (chi thường xuyên), bên cạnh việc vay để đầu tư phát triển. Ngoài ra, các phần chi đang để ngoại bảng quá nhiều, những năm trước chỉ vài chục nghìn tỷ nhưng năm qua đã lên tới hơn một trăm nghìn tỷ đồng.
Do vậy, sửa đổi Luật Ngân sách phải tính đến tất cả những vấn đề này.
- Kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn còn khó khăn, ông đánh giá như thế nào về biện pháp nới đầu tư công để kích thích tăng trưởng?
- Hiện có ý kiến cho rằng cần tăng đầu tư từ khu vực Nhà nước để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư theo, song cá nhân tôi thì giải pháp này chưa hẳn đem lại hiệu quả. Thực tế, năm nào Việt Nam cũng thực hiện kích cầu nhưng đầu tư tư nhân vẫn giảm. Và trong điều kiện môi trường kinh doanh như hiện nay, mồi đầu tư từ khu vực Nhà nước chỉ kéo được tư nhân đi theo trong ngắn hạn, hệ quả có thể là đầu tư chớp nhoáng, không ổn định. Muốn gia tăng hiệu quả lâu dài, cần thêm những biện pháp như cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư...
Có thể thấy, Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm lãi suất để kích thích đầu tư tư nhân, song điều này vẫn là chưa đủ, nguyên nhân là do thị trường thiếu niềm tin. Nhiều gói cải cách đã được đề ra nhưng chưa có đột phá, từ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đến tái cơ cấu đầu tư công, cải cách các bộ luật liên quan…
Theo ý kiến của tôi, hiện nay chỉ nên tập trung vào một chương trình cải cách và làm thực sự để thị trường thấy rằng Chính phủ có quyết tâm và làm thật. Chỉ có cách này mới mong lấy lại được niềm tin.
- Theo ông chương trình cải cách nào nên đặt làm trọng tâm?
- Nếu được chọn, tôi sẽ chọn chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Tái cơ cấu, nâng cao năng lực của khu vực này sẽ khiến nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài thấy rằng Chính phủ có quyết tâm đổi mới thực sự, từ đó tạo động lực tăng trưởng lâu dài cho nền kinh tế. Nếu không cầu thị, tập trung nguồn lực vào một chỗ để giải quyết nhanh thì chương trình cổ phần hóa sẽ khó đạt mục tiêu trong 2 năm.
Phương Linh