Phát biểu đầu tiên tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân khai mạc sáng nay (28/4), Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng nguy cơ lớn nhất không nằm ở con số mà ở quan điểm sai về nợ công. Hiện nay nợ công của Việt Nam không bao gồm nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ đọng xây dựng cơ bản. Cách tính này theo ông Thiên không cho phép đánh giá đúng nguy cơ thực tế.
"Nếu tính đủ, nợ công phải lên tới gần 100% GDP. Tỷ lệ an toàn theo báo cáo hiện nay là 55,7% và 'theo quy định'. Điều này chứa đựng nguy cơ ảo tưởng về mức độ an toàn của sự rủi ro", ông Thiên cho biết.
Theo Viện trưởng Trần Đình Thiên, điều đáng lo lắng là tốc độ nợ tăng nhanh hơn rất nhiều so với GDP nhưng việc đi vay chủ yếu để trả nợ chứ không phải cho sản xuất. Chưa kể, trong cơ cấu, nợ ngắn hạn rất nhiều, khi nền kinh tế suy yếu thì khả năng trả nợ cũng bị ảnh hưởng. "Đồ thị của chúng tôi cho thấy tăng năm nay nghĩa vụ trả nợ là 208.000 tỷ đồng, vượt 26,7% thu ngân sách năm 2014. Mức này đã vượt qua vạch đỏ (25%) và sẽ chiếm tỷ lệ 30% thu ngân sách vào những năm tiếp theo", ông Thiên lo lắng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ: "Với tốc độ hiện nay, một thời gian ngắn nữa sẽ không đối phó được với nợ công. Cần phải xem lại ngân sách, việc thu hiện nay không đủ cho chi thường xuyên của bộ máy".
Đóng góp tham luận cho diễn đàn lần này, Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí và bà Phan Thanh Hà cũng cho rằng 3 năm nữa, gánh nặng trả nợ sẽ tăng rất nhanh chóng ngay cả khi quy mô dư nợ công chưa chạm ngưỡng mất an toàn. Ông Phạm Đỗ Chí phân tích, việc phát hành lượng lớn trái phiếu Chính phủ - một hình thức vay nợ gây nhiều rủi ro - như vừa qua là áp lực rất lớn đến lạm phát. "Cần tính toán dựa trên số liệu cụ thể về nợ công hiện hành để tránh tình trạng vỡ nợ như đã xảy ra với Vinashin, khi phát hành trái phiếu với lãi suất khủng 20% một năm, kỳ hạn 5 năm", vị chuyên gia dẫn lại trường hợp xương máu trước đây.
Ngoài nợ công, nhiều chuyên gia cũng cho rằng nợ xấu đang là nút thắt vô cùng lớn của nền kinh tế, ảnh hưởng đến sự lưu thông vốn nhưng lại cũng có những con số chưa rõ ràng. Theo chuyên gia Trần Đình Thiên, hiện số liệu khác nhau, sai số quá lớn và Chính phủ nên nhìn nhận những tranh luận của các học giả là có ích cho nền kinh tế.
Hiện nợ xấu đến cuối tháng 2 theo số liệu từ Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước chiếm khoảng 9,7% tổng dư nợ. Xử lý "cục máu đông" theo các chuyên gia là việc phải dứt khoát thực hiện trong năm 2014, 2015. "Nếu tiếp tục duy trì như hiện nay thì nguy hiểm. Chúng ta không nên chỉ dựa vào VAMC để tháo gỡ mà cần tiền tươi thóc thật", ông Trần Đình Thiên nói. Để có "tiền tươi", theo ông có thể cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, bán bớt vốn Nhà nước và thậm chí vay nợ quốc tế nếu cần thiết.
Hiện VAMC đã xử lý được hơn 45.000 tỷ đồng, nhưng chủ yếu đây mới chỉ dừng lại ở động tác nhấc nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Trong khi đó, lượng nợ thu hồi được theo lãnh đạo VAMC mới chỉ hơn 400 tỷ đồng và kế hoạch bán nợ xấu sau khi mua vẫn chưa có tiến triển do vướng cơ chế.
Phương Linh - Thanh Lan