Sau tác phẩm Đúng việc và Sư phạm khai phóng, nhà hoạt động giáo dục - Tiến sĩ Giản Tư Trung ra mắt cuốn sách thứ ba Quản trị bằng văn hóa - Cách thức Kiến tạo & Tái tạo Văn hóa Tổ chức, hôm 10/12. Cuốn sách được ông ấp ủ trong nhiều năm, với nhiều thông điệp gửi đến các doanh nhân và nhà lãnh đạo.
Cuốn sách Quản trị bằng văn hóa được chia thành ba phần chính, tập trung vào các khía cạnh tinh thần, triết lý, phương pháp và giải pháp quản trị cho năm chủ thể văn hóa bao gồm: Cá nhân, bộ phận, tổ chức, kinh thương, quốc gia.
Trong phần một, tác giả bàn về tư tưởng kinh doanh của những nhà sáng lập và lãnh đạo của doanh nghiệp như một nền tảng để chi phối văn hóa tổ chức. Phần hai đưa ra những lý giải về văn hóa, văn hóa doanh nghiệp và vai trò của nó, cũng như những triết lý và phương pháp để kiến tạo văn hóa cho cá nhân, đội ngũ và tổ chức.
Cuối cùng, tác giả đưa ra quan điểm về văn hóa kinh thương của quốc gia. Bởi theo ông, mỗi doanh nghiệp không chỉ là nhân tố thụ hưởng mà còn là chủ thể góp phần kiến tạo nên nền văn hóa kinh thương. Ông đề cập về văn hóa Việt Nam xưa và nay với những điểm tốt đẹp và điểm hạn chế, nhìn ra nền kinh tế của một vài quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Israel, UAE/Dubai.
Theo tác giả, những tư duy và phương pháp cốt lõi về xây dựng và chuyển đổi văn hóa không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp, mà còn có thể áp dụng cho các loại hình tổ chức hoặc cho mỗi người - những cá thể đang làm việc trong tổ chức.
"Trong bối cảnh kinh tế đang rất khó khăn, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều lo âu, có lẽ văn hóa chính là một trong những chìa khóa để giải quyết những khó khăn và lo âu đó. Tôi cho rằng nó vừa là chìa khóa đầu tiên vừa là chìa khóa cuối cùng", ông nói thêm.
Trong buổi ra mắt ấn phẩm ngày 10/12 tại TP HCM, Tiến sĩ Giản Tư Trung cho biết ông thực hiện cuốn sách với mong muốn thúc đẩy một phương cách quản trị trong bối cảnh đầy biến động hiện nay. Theo ông, nhưng phương cách quản trị truyền thống đa phần dựa trên luật lệ và mục tiêu. Vẫn còn một phương pháp quản trị mà lâu nay các doanh nghiệp thường dùng nhưng chưa thật sự hiểu rõ hoặc áp dụng một cách, đó là quản trị bằng văn hóa.
Đầu năm nay, trong tác phẩm Cơn lốc quản trị, giáo sư Phan Văn Trường cũng có quan điểm tương đồng khi cho rằng ngày nay các phương pháp quản trị truyền thống (ví dụ chỉ dựa vào luật lệ) không còn phát huy tối đa tác dụng. Bởi giữa con người với nhau, mọi việc chỉ có thể được thúc đẩy bởi văn hóa.
Theo tác giả Giản Tư Trung, quản trị bằng văn hóa chính là tương lai của quản trị và tương lai của lãnh đạo, nhất là trong một thế giới đầy biến động và thời đại mà con người ngày càng trở nên độc lập và tự do hơn. Tất nhiên, sẽ không bao giờ có thể quản trị hoàn toàn bằng văn hóa mà không có vai trò của luật lệ và mục tiêu. Song, bên cạnh đó, người lãnh đạo cũng cần biết cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp một cách chủ đích, bài bản, có hệ thống để đem lại sự khác biệt.
"Văn hóa không chỉ là công cụ để quản trị, mà còn là mục đích của quản trị và của con người. Thay vì lãnh đạo người khác, tương lai của lãnh đạo là giúp người khác biết cách tự lãnh đạo họ", ông đúc kết.
Tác giả Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo Dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng Sách Hay và Chủ nhiệm Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Scholarship.
Ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện Sau Đại học Geneva; tu nghiệp Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard; tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore; và tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học London (UCL).
Ngạn Bình