Đây là một trong nội dung hướng dẫn các doanh nghiệp ở tỉnh phục hồi sản xuất kinh doanh ở tình hình mới, được Chủ tịch UBND Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh ký ban hành, chiều 28/10. Động thái đưa ra sau công văn của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu địa phương xem xét, giải quyết các kiến nghị nhằm gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp ở địa bàn.
Trước đó ngày 19/10, 19 doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với gần 70.000 lao động ở Tiền Giang gửi thư "kêu cứu" Thủ tướng vì không thể sản xuất trở lại bởi chính quyền tỉnh vẫn bắt thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, 2 điểm đến". Việc này được cho là gây khó khăn cho người lao động và lãng phí tài chính của doanh nghiệp.
Theo quy định mới, từ ngày 1/11 tất cả doanh nghiệp ở Tiền Giang được chủ động tổ chức một trong 3 phương án: cho người lao động đi về hàng ngày, "3 tại chỗ" và "3 tại chỗ kết hợp đi về hàng ngày". Doanh nghiệp hoạt động trở lại phải được cơ quan thẩm quyền thông qua kế hoạch sản xuất và phòng chống dịch.
Ngoài ra, doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine, hoặc đã khỏi Covid-19 trong 6 tháng và ở trên địa bàn các xã có cấp độ dịch 1 và 2 (tương đương vùng xanh và vùng vàng). Trường hợp lao động là quản lý, kỹ thuật không thể thay thế, doanh nghiệp có thể sử dụng người đã tiêm vaccine mũi một đã qua 14 ngày và được cơ quan thẩm quyền đồng ý.
Người lao động trước khi vào nhà máy phải xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 72 giờ, có thể làm mẫu gộp. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải định kỳ xét nghiệm Covid-19. Lao động nếu ở trong tỉnh được đi xe cá nhân đến nhà máy, trường hợp ngoài tỉnh phải được doanh nghiệp tổ chức xe đưa đón...
Tiền Giang có gần 10.000 doanh nghiệp với trên 250.000 người lao động. Đến nay, tỉnh ghi nhận trên 16.100 ca nhiễm, 398 ca tử vong. Tỉnh đạt cấp 2 (nguy cơ trung bình), trong đó huyện Tân Phú Đông và Tân Phước nguy cơ dịch cấp 1 (vùng xanh - bình thường mới).
Hoàng Nam