Sức ép giải chấp cổ phiếu (margin call) của các ông chủ doanh nghiệp (không phải của nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức) còn khoảng 40.000-50.000 tỷ đồng - tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn ước đoán, sau khi xác minh với đồng nghiệp là các công ty chứng khoán khác.
Sự thiếu tiền hay thiếu thanh khoản trên thị trường giờ đây đã được xác nhận. Người ta đang cố tìm hiểu xem tiền tắc ở đâu, thiếu ở đâu và làm thế nào để khơi thông thanh khoản. Một số chuyên gia kinh tế nêu ý kiến tổng phương tiện thanh toán, tức lượng tiền Ngân hàng Nhà nước đưa ra lưu thông hàng năm, chưa tương xứng với các chỉ tiêu lạm phát cũng như tăng trưởng GDP. Thực tế tổng phương tiện thanh toán, theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến tổng phương tiện thanh toán là tín dụng. Từ đầu năm đến nay tín dụng tăng gần 12%, tương đương số tuyệt đối 1,2 triệu tỷ đồng, đóng góp vào tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán trên 9%. Song có hai yếu tố làm giảm mức tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp tỷ giá. Khi bán ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước hút tiền đồng về, sau đó lại bơm tiền ra qua kênh thị trường, mở hàng trăm nghìn tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ thanh khoản cho một số tổ chức tín dụng, trong đó có một ngân hàng đã công khai việc bị kiểm soát đặc biệt. Số tiền này không hề nhỏ. Từ nay đến cuối năm, nếu ngân hàng nào thiếu thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ.
Hạn mức tín dụng cho năm nay vừa được nới thêm 2% với bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh quy mô nhất. Luật pháp cho phép các ngân hàng được đầu tư, mua lại trái phiếu doanh nghiệp và được tính vào hạn mức tín dụng. Không cần Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, các ngân hàng có quyền tự quyết có nên giải ngân mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Vấn đề là các ngân hàng cũng đang phải củng cố thanh khoản để đảm bảo an toàn cho hoạt động của chính mình và hệ thống. An toàn hệ thống ngân hàng là sống còn với nền kinh tế. Ngay cả khi còn room tín dụng, nhiều ngân hàng khẳng định cũng không tham gia mua lại trái phiếu doanh nghiệp.
Đại diện một ngân hàng giãi bày với tôi rằng pháp luật không cấm các tổ chức tín dụng mua trái phiếu. Nhưng ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp phải tuân thủ quy định như doanh nghiệp phát hành trái phiếu, không có nợ quá hạn trong vòng 12 tháng. Tổ chức tín dụng phải đáp ứng yêu cầu có tỷ lệ nợ xấu thấp vì mua trái phiếu doanh nghiệp rủi ro hơn cho vay. Đồng thời khi mua trái phiếu, ngân hàng phải đáp ứng quy định về tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro.
Có một đề xuất đáng cân nhắc là giải quyết thanh khoản bằng nguồn tiền từ ngân sách Nhà nước, nhưng không phải tiền tươi thóc thật, mà là tiền... giấy. Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ để đổi lấy trái phiếu doanh nghiệp cho những người đang sở hữu chúng, theo kinh nghiệm một số nước đã làm. Bằng cách này trái phiếu doanh nghiệp được sang tên cho Nhà nước. Đến ngày đáo hạn, người mua sẽ nhận được tiền. Nhà nước ngay bây giờ sẽ "siết" tài sản đảm bảo của các đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp và những tài sản khác họ có, kể cả cổ phần cổ phiếu, thậm chí trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp, để xử lý thu tiền về. Những doanh nghiệp nào không đủ tài sản đảm bảo, tài sản khác, làm sai quy định pháp luật như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát bị xử lý nghiêm.
Đề xuất này, nếu được thực hiện, sẽ phát đi thông điệp của Nhà nước rằng "chúng tôi hiểu câu chuyện thị trường, chúng tôi ra tay can thiệp". Tác dụng của thông điệp, rõ ràng, là rất mạnh nhằm gây dựng lại niềm tin cho thị trường. Chỉ cần niềm tin được gieo lại, nó sẽ lan toả và tiền sẽ quay vòng nhanh. Một khi quay vòng nhanh, tiền sẽ đẻ ra tiền.
Thêm một giải pháp khác được đề nghị. Chính phủ chỉ đạo mở rộng chính sách tài khoá có trọng tâm trọng điểm, đẩy nhanh đầu tư công. Thực tế, chính sách tài khoá đang thắt chặt. Kho bạc Nhà nước đang gửi gần một triệu tỷ đồng ở hệ thống ngân hàng, không giải ngân được cho đầu tư công. Bộ Tài chính lý giải tiền ngân sách trung ương riêng, tiền ngân sách địa phương riêng, trung ương không thể tiêu tiền ngân sách địa phương. Nhưng với quản trị hiện tại, dòng tiền ngân sách trung ương hay địa phương, Bộ Tài chính đều có thể điều phối được. Tại sao Kho bạc Nhà nước đang ứ một triệu tỷ đồng không giải ngân được, mà vẫn phát hành trái phiếu Chính phủ? Tiền thu được từ phát hành trái phiếu Chính phủ đang làm giảm tổng phương tiện thanh toán, giảm thanh khoản vì người mua trái phiếu Chính phủ chủ yếu là các ngân hàng.
Nên chăng Bộ Tài chính cho phép các ngân hàng thương mại được repo một tỷ lệ nhất định trái phiếu Chính phủ, nghĩa là Kho bạc Nhà nước mua lại trong thời gian, ví dụ từ 6 đến 12 tháng, trái phiếu Chính phủ mà các ngân hàng đang nắm giữ. Sau thời gian trên, Kho bạc bán lại trái phiếu Chính phủ cho các ngân hàng, thu lại tiền.
Dồn toàn bộ gánh nặng thanh khoản hiện nay lên vai các ngân hàng là không hợp lý. Ngay cả trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước bơm tiền ra nhưng tiền có đến doanh nghiệp hay không còn phụ thuộc vào bộ lọc tín dụng. Doanh nghiệp phải đủ điều kiện ngân hàng mới cho vay. Ngân hàng là trung gian, huy động vốn của dân, không thể cho vay bừa bãi. Nếu ngân hàng cho vay mất vốn, nợ xấu cao, dân rút vốn, lấy tiền đâu trả?
Còn đó câu hỏi lơ lửng trên thị trường: Việt Nam hội nhập sâu rộng đã mấy chục năm, vì sao các cơ quan quản lý chuyên ngành đến nay vẫn yếu kém đến thế với trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều cuộc họp về trái phiếu doanh nghiệp đã diễn ra, nhưng các quyết sách cần tiến hành ngay vẫn chưa thấy.
Thiếu tiền, thiếu thanh khoản thì phải đưa tiền ra và ra nhanh. Lựa chọn cách thức đưa tiền ra sao cho đúng, cho trúng và đưa ra bao nhiêu cho đủ hiện nay chỉ có Nhà nước mới giải quyết được.
Hải Lý