Tiền thuế phải nộp nếu tôm Việt Nam muốn vào Mỹ dự kiến là 25 triệu USD. |
Nếu USITC giữ nguyên quan điểm của mình trong phán quyết chính thức gửi DOC tới đây, các nhà nhập khẩu sẽ phải nộp thuế cho hải quan khi mua tôm của 6 nước bị đơn. Cụ thể, mức thuế bình quân với tôm Thái Lan là 6,03%; Brazil là 10,4%, Ấn Độ là 9,45%; Ecuador là 3,26%, Việt Nam 5% và Trung Quốc nộp thuế trong khoảng 27,89-112,81%. Các mức thuế này là bình quân thuế suất của tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tôm bị kiện của mỗi nước. Việt Nam có 38 doanh nghiệp nằm trong danh sách bị kiện, với các mức thuế phá giá dao động từ 4,13 đến 25,76%.
Dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ 2004 tăng không đáng kể so với 2003, đạt khoảng 500 triệu USD. Vì vậy, tính chung số tiền thuế mà các nhà nhập khẩu của Mỹ phải nộp khi mua tôm của Việt Nam sẽ là 25 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chia xẻ gánh nặng này với các đối tác Mỹ.
Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Uỷ ban Tôm Việt Nam Nguyễn Văn Kịch cho rằng, số tiền 25 triệu USD phải nộp mỗi năm không phải nhỏ nhưng khó khăn vẫn chưa kết thúc ở đây. Căn cứ theo thủ tục pháp lý của Mỹ, vụ kiện sẽ tiếp tục kéo dài trong năm năm, mỗi năm Washington sẽ xem xét lại hoạt động xuất khẩu của các nước bị kiện (thường được gọi là "review 1 year") và sẽ quyết định lại về các mức thuế. "Mức thuế bình quân 5% hiện tại có thể tạm ổn với Việt Nam. Nhưng biết đâu trong những lần review sắp tới, Washington sẽ thay đổi theo hướng tiêu cực thì sao?", ông lo ngại.
Cũng theo ông Kịch, mối lo lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm 6 nước lúc này không phải là chuyện thuế suất kể trên mà chính là những thay đổi về quy định ký quỹ liên tục Hải quan Mỹ đang có kế hoạch triển khai. Theo yêu cầu của Hải quan Mỹ, ngoài số tiền thuế tính theo biên độ riêng biệt dành cho mỗi doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu còn phải nộp khoản đặt cọc tương ứng với thuế suất "country-wide rate", tức biên phá giá cao nhất. Ví dụ, một doanh nghiệp mua tôm của Công ty Minh Phú (Cà Mau) để nhập khẩu vào Mỹ, sẽ phải nộp 2 khoản. Khoản thứ nhất là tiền thuế tính với mức 4,21% (thuế suất mà DOC áp cho Minh Phú) x giá trị lô hàng. Khoản thứ 2 là tiền đặt cọc được tính theo công thức: 25,76% (thuế suất country-wide rate) x giá trị nhập khẩu tôm của Minh Phú trong thời gian tính từ khi vụ kiện phát sinh đến khi lệnh áp thuế có hiệu lực (khoảng 12-13 tháng). Khoản tiền đặt cọc sẽ phải nộp toàn bộ 1 lần và trước khi hàng nhập khẩu cập cảng Mỹ. "Đây chính là vật cản lớn nhất ép các nhà nhập khẩu tôm phải chuyển hướng sang thị trường khác không bị kiện bán phá giá. Và ngành xuất khẩu tôm của 6 nước sẽ lâm vào cảnh khốn khó nếu quy định mới của hải quan chính thức có hiệu lực", ông Kịch nói.
Công việc tiếp theo đối với các doanh nghiệp tôm, theo ông Kịch, chính là đoàn kết lại, cùng đấu tranh để Washington không áp dụng quy định mới. Đồng thời, tuân thủ đúng theo thủ tục pháp lý của Mỹ để tránh hậu quả xấu trong những lần review 1 year sau này.
Trong cuộc bỏ phiếu sáng nay, USITC đã loại tôm đóng hộp ra khỏi phạm vi của vụ kiện bán phá giá. Giới chuyên môn nhận định, điều này mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp có thể chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, làm tôm đóng hộp hay các sản phẩm giá trị gia tăng khác để tránh thuế phá giá khi vào Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, cả nước mới có 1-2 doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm đóng hộp. Bây giờ, nếu chuyển hướng đầu tư cho dây chuyền sản xuất này hơi trễ bởi các nước khác cũng có ý định tương tự. Hơn nữa, tôm đóng hộp, tôm bao bột hay các sản phẩm giá trị gia tăng khác lại là sản phẩm có thế mạnh của doanh nghiệp Mỹ.
Bình luận về kết quả bỏ phiếu sáng nay của Uỷ ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ (USITC), giới quan sát cho rằng vụ việc đã diễn biến đúng theo dự đoán và cũng đúng theo những gì mà Washington lâu nay đang đối xử với hàng hoá nhập khẩu.
"Phán quyết về các mức thuế sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ - DOC ban hành tháng trước cho thấy, DOC đã không thể tìm ra chứng cứ xác đáng nào để áp biên thuế phá giá cao tới 200% như yêu cầu của nguyên đơn. DOC đã phải hạ thấp các mức thuế. Nhưng USITC thì không thể nào ra phán quyết khẳng định rằng sản phẩm nhập khẩu không gây thiệt hại cho ngành sản xuất. Họ phải bảo vệ doanh nghiệp nước họ, phải thu thuế, dù ít dù nhiều cũng phải thu. Dĩ nhiên, điều đó hoàn toàn bất công trong thương mại quốc tế", một luật sư có kinh nghiệm về các vụ kiện chống bán phá giá phân tích. Vụ kiện tôm, ngay từ khi phát sinh đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ không chỉ của các nước xuất khẩu tôm mà của chính những doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối và chế biến hải sản Mỹ. Những ngày cuối trước khi có phán quyết chính thức, cộng đồng các nhà phân phối hải sản Mỹ đã đưa ra chiêu vận động hành lang cuối cùng: bỏ ra tới 100 triệu để yêu cầu nguyên đơn huỷ vụ kiện. Khi đưa ra lời đề nghị này, chính họ cũng hiểu câu trả lời, tuy nhiên vẫn hy vọng sẽ tác động phần nào tới phán quyết của USITC và DOC. Hy vọng của họ đã không thành sự thực bởi Liên minh Tôm miền Nam (SSA) không thể bán danh dự để nhận tiền mà rút đơn kiện, còn các cơ quan công quyền Mỹ cũng không muốn có sự xáo trộn trong các công việc đã được hoàn tất.Với trường hợp Thái Lan và Ấn Độ, USITC để ngỏ khả năng sẽ điều chỉnh quyết định với lý do họ vừa trải qua động đất, sóng thần. Trên thực tế, chỉ vùng nuôi tôm của Ấn Độ mới bị ảnh hưởng nhiều bởi thảm hoạ thiên tai vừa qua. Tamil Nadu, nơi bị sóng thần tàn phá nặng nề nhất cũng là nơi tập trung sản lượng tôm lớn của Ấn Độ. "Còn với Thái Lan, hậu quả không quá nặng nề. Nhưng trong các quyết định chính thức, Washington đã không thể làm hài lòng đồng minh của mình thì sóng thần có thể là một cái cớ rất tốt để họ thực hiện theo ý nguyện của Thái Lan", vị luật sư trên nói. |
Song Linh