Dưới đây là phân tích của luật sư Vũ Tiến Vinh (Đoàn Luật sư Hà Nội).
Theo Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương. Trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách địa phương.
Theo quy định trên, đối với trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, Tòa án nhân dân tối cao là đơn vị xét xử gây án oan nên kinh phí bồi thường do Bộ Tài chính chi trả.
Luật này quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan tài chính cùng cấp. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhận được hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để cấp kinh phí hoặc có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp đề nghị cấp kinh phí bồi thường. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định giải quyết bồi thường. Thời hạn bổ sung hồ sơ không quá 15 ngày.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị bồi thường hợp lệ, cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường để chi trả cho người bị thiệt hại.
Sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại.
Như vậy, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường đối với ông Nguyễn Thanh Chấn có hiệu lực pháp luật, chậm nhất là sau 40 ngày làm việc, ông Chấn phải được nhận tiền bồi thường.
Đối với việc hoàn trả, luật quy định người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của Luật này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
Để xác định ai là người có trách nhiệm hoàn trả trong vụ việc của ông Chấn, tòa án nhân dân tối cao sẽ phải thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.
Cụ thể trong vụ án oan sai của ông Chấn đã có điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán bị khởi tố nên có thể hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả sẽ phải đợi bản án của tòa án. Tuy nhiên, hội đồng cũng sẽ phải xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với cả những thẩm phán đã tham gia xét xử phúc thẩm vụ án chứ không chỉ riêng đối với thẩm phán đã bị khởi tố. Nếu những người bị xem xét trách nhiệm có lỗi nhưng chỉ là lỗi vô ý thì họ không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Để xác định lỗi của họ là cố ý hay vô ý thì cần căn cứ bản án, quyết định của tòa án xét xử đối với hành vi vi phạm của họ.
Về mức độ hoàn trả, theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự.
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 3 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Để đảm bảo người có nghĩa vụ phải nghiêm túc thực hiện việc hoàn trả (kể cả khi đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu) thì luật cho phép cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật.
Ông Chấn vướng lao lý từ tháng 8/2003 khi Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang cho rằng ông là thủ phạm giết cô hàng xóm Nguyễn Thị Hoan tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên. Qua các cấp xét xử, tòa án xác định ông phạm tội giết người, tuyên án tù chung thân. Trong 10 năm ngồi tù, ông liên tục kêu oan và có lúc tìm cách quyên sinh nhưng được các phạm nhân khác phát hiện kịp thời. Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông, cũng ròng rã "gõ cửa" nhiều cơ quan công quyền kêu oan cho ông Chấn. Tháng 7/2013, trong đơn gửi VKSND Tối cao, bà cho hay đã tự xác minh được thủ phạm là Lý Nguyễn Chung. Xem xét đơn, Cục điều tra VKSND Tối cao đã vào cuộc. Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt. Hai hôm sau, TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người. Vụ án được điều tra lại. Sau đó, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, nhận đã giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn cùng 59.000 đồng. Trước việc ông Chấn tố cáo nhóm cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục hình, VKSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Nhật Luật (nguyên thượng tá, phó công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi), cựu thẩm phán Toà phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm bác đơn kêu oan của ông Chấn, cũng bị điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tháng 3 vừa qua, ông Chấn chính thức “sạch tội” khi hai bản án dân sự tuyên buộc ông phải có trách nhiệm bồi thường, cấp dưỡng cho con chị Hoan, được huỷ. Cuối tháng 5, sau 10 tháng thương lượng, TAND Tối cao đạt được thoả thuận bồi thường 7,2 tỷ đồng trong khoảng 9,3 tỷ đồng ông yêu cầu. |
Vũ Tiến Vinh