TAND Tối cao vừa đạt được thỏa thuận bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn - người mang án tù oan suốt gần một thẩp kỷ. Dưới đây là bài viết của thạc sĩ luật Phạm Thanh Bình về khía cạnh pháp lý của việc bồi thường.
Trên diễn đàn Quốc hội, Chánh án Tòa án tối cao công bố ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang - người bị ngồi tù oan hơn 10 năm - được bồi thường hơn 7,2 tỷ đồng. Ông Chánh án cho biết trong 3 năm (2012-2014), Tòa án các cấp nhận được 22 đơn yêu cầu bồi thường oan, sai, trừ đi 3 đơn bị trả lại do không đúng thẩm quyền, không đủ điều kiện thụ lý và 6 trường hợp đang được xử lý thì trong số 13/19 đơn đã được giải quyết, số tiền Nhà nước phải bồi thường cho người bị oan, sai ước tính nhiều tỷ đồng.
Khoản tiền được bồi thường dù lớn đến đâu cũng khó có thể bù đắp lại được những mất mát, tổn hại về nhiều mặt mà những người bị oan, sai và gia đình họ phải gánh chịu, song vẫn cứ thấy có điều gì đó không ổn khi Nhà nước phải bỏ ra ngần ấy tiền để “trả thay” cho cán bộ gây ra oan sai trong khi “thi hành công vụ”.
Thạc sĩ luật Phạm Thanh Bình. |
Một nghịch lý đang tồn tại là Nhà nước đã phải bồi thường cho một số trường hợp bị oan sai với khoản tiền không nhỏ nhưng kết quả giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực hình sự cho thấy qua 3 năm vẫn chưa có trường hợp nào phải bồi hoàn lại cho Nhà nước.
Không thể phủ nhận Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra, nhưng ở một giác độ khác thì việc Nhà nước gánh lấy trách nhiệm “bồi thường trước” rồi thu lại “một phần” khoản tiền đã bỏ ra không đủ để răn đe, làm cho những người thi hành công vụ thấy sợ…
Điều 56 Luật này quy định: “Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.
Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng quy định việc xác định mức hoàn trả được thực hiện theo nguyên tắc: Nếu người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì họ phải hoàn trả một khoản tiền tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Nếu họ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự…
Ngoài ra, khoản 2 Điều 56 Luật này còn quy định: Người thi hành công vụ có "lỗi vô ý" gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả!
Vậy là trong trường hợp cố ý gây ra oan, sai, nếu không bị truy tố ra tòa thì những người thi hành công vụ chỉ phải bồi thường lại cho Nhà nước tối đa không quá 36 tháng lương của người đó - một khoản tiền “không hề lớn”. Họ còn được trả dần, trừ dần vào lương hàng tháng với mức tối đa mỗi tháng không quá 30%.
Sẽ là không công bằng nếu dùng tiền thuế thu được của những người phải nộp thuế để bù đắp cho hành vi gây thiệt hại của một số người, còn Nhà nước chỉ thu lại được một phần rất nhỏ khoản tiền đã bỏ ra… Do vậy cần có sự nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung Luật này cho phù hợp để buộc những người gây ra oan sai, bất kể do vô ý hay cố ý, phải hoàn trả lại toàn bộ kinh phí cho Ngân sách Nhà nước.
Trở lại vụ ông Chấn ở Bắc Giang, đến nay đã có ba người bị khởi tố để điều tra về hành vi gây ra oan, sai. Chiếu theo luật thì ba người này sẽ phải bồi thường toàn bộ khoản tiền đã được Nhà nước đứng ra bồi thường trước cho ông Chấn - nếu họ bị kết tội. Song vấn đề đặt ra là liệu họ có khả năng bồi thường toàn bộ khoản tiền 7,2 tỷ đồng cho Nhà nước không và liệu có công bằng không khi chỉ có ba người phải chịu trách nhiệm - cả hình sự lần dân sự - trong vụ án oan này?
Cũng theo Luật, khoản tiền 7,2 tỷ đồng này sẽ được cấp từ ngân sách Trung ương ra để chi trả cho ông Chấn, sau đó các cơ quan có thẩm quyền sẽ thành lập Hội đồng để xem xét, xác định ai là người chịu trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước số tiền này.
Tuy nhiên, do cả điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đều đã bị khởi tố nên việc xác định ai có trách nhiệm hoàn trả vẫn sẽ phải đợi phán quyết của Tòa án. Nếu tòa án tuyên các vị này không phạm tội hoặc có tội nhưng phạm tội do lỗi vô ý, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Khi đó, Nhà nước coi như “mất trắng” khoản tiền 7,2 tỷ đồng này. Trong trường hợp họ bị kết tội (do lỗi cố ý) thì chắc họ cũng sẽ không phải đền đủ cả 7,2 tỷ đồng, tựa như việc bác sĩ lỡ tay hoặc do tay nghề kém làm chết bệnh nhân thì cũng chưa có ai bị buộc phải đền mạng cả.
Từ chuyện khoản tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường trong vụ án ông Chấn mới thấy rằng, vẫn còn đó những quy định chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa phù hợp với thực tế cuộc sống và nếu không sớm có những thay đổi, sớm khắc phục tình trạng bức cung, dùng nhục hình tạo nên oan sai thì số tiền bồi thường mà Nhà nước phải bỏ ra chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng nhiều nhiều hơn nữa. Ngân sách sẽ tiếp tục bị “thâm thủng”.
Luật nên sớm chấm dứt tình trạng “quít làm, cam chịu”. Điều đó không chỉ trả lại công bằng cho những người bị oan sai mà còn công bằng cho cả những người dân khác, khi một khoản tiền thuế không nhỏ của họ đã phải dùng để bồi thường cho những án oan sai.
Thạc sĩ luật Phạm Thanh Bình