Tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam, con trai nhạc sĩ - Tôn Thất Định - thay mặt gia đình cảm tạ khách viếng: "Tình cảm của khán giả, đồng nghiệp dành cho bố trong những ngày qua giúp tôi cảm nhận được di sản lớn lao ông để lại cho con, cháu. Tôi thay mặt gia đình gửi cảm ơn sâu sắc đến bạn bè, đồng nghiệp của bố đã có mặt hôm nay đưa tiễn ông".
* Nhạc sĩ Tôn Thất Lập để lại 'giọt nắng cháy quanh tim'
Vợ nhạc sĩ Tôn Thất Lập di chuyển bằng xe lăn đến lễ tang chồng. Suốt buổi lễ, bà im lặng dõi mắt lên di ảnh của bạn đời. Phút giây tiễn biệt, bà rời xe lăn, quỳ gối lạy chào linh cữu chồng.
Tang lễ diễn ra giản dị, ngoài gia đình còn có các bạn bè của nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Nghệ sĩ Ưu tú Trần Vương Thạch - có mặt từ sớm tiễn biệt đàn anh. Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thúy gửi lời chia buồn, động viên đến gia đình nhạc sĩ.
Thanh Thúy nói: "Chú Ba Lập luôn là người hiền lành và trẻ trung dù ở độ tuổi nào. Sự nghiệp của ông gắn liền với những thời kỳ cách mạng của đất nước từ phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe đến thời kỳ ngay sau khi đất nước thống nhất, truyền tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ".
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc điếu văn tóm tắt về sự nghiệp sáng tác, cuộc đời của Tôn Thất Lập. "Đồng nghiệp yêu quý gọi nhạc sĩ là "anh Ba Lập". Ông có đôi mắt sáng, hiền lành, sống chan hòa, nhận được sự mến thương của giới âm nhạc. Ông cứ thế thầm lặng hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng, âm nhạc mà ông tôn thờ từ thời tuổi trẻ", Đỗ Hồng Quân nói.
Đỗ Hồng Quân mượn câu hát trong bài Mưa thì thầm của Tôn Thấp Lập: "Mưa thì thầm là mưa rất xa/ Em thì thầm là em rất gần", thay lời tiễn biệt nhạc sĩ. Người đồng nghiệp nói: "Vĩnh biệt ông! Mong ông ở nơi xa luôn phù hộ cho gia đình, đồng nghiệp bằng những tiếng mưa thì thầm, nhân ái của mình dành cho cuộc đời".
Những năm cuối đời, Tôn Thất Lập sống kín tiếng, dành trọn tình yêu cho âm nhạc và gia đình. Bạn bè, đồng nghiệp tưởng nhớ nhạc sĩ bằng những vòng hoa trắng. Trong tâm tưởng của mọi người, nhạc sĩ hiền lành, giản dị và sâu sắc như âm nhạc của ông.
Nghệ sĩ qua đời ở tuổi 81, sau thời gian trị bệnh, sáng 26/7. Ông sinh năm 1942 ở Đà Nẵng, lớn lên tại Huế. Những năm cuối thập niên 1960, thời kỳ nổi lên phong trào phản chiến của học sinh - sinh viên, nhạc sĩ Tôn Thất Lập có những ca khúc ảnh hưởng đến nhiều thế hệ thanh niên trong nước như: Hát cho dân tôi nghe, Hát cho quê hương, Lúa reo trên khắp cánh đồng. Nhạc sĩ tốt nghiệp thạc sĩ đại học Văn hóa Hà Nội, từng là Phó Chủ tịch Hội âm nhạc TP HCM, Hội nhạc sĩ Việt Nam, công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM.
Thời bình, ông tiếp tục sở trường viết tình ca, có nhiều ca khúc mới như Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi. Ông từng nói về quan niệm làm nghề: "Đối với tôi, sáng tạo là tự giải phóng bản thân, ngay cả những tác phẩm đặt hàng cũng phải tìm tòi, lấy đó làm cơ hội để tìm cái mới. Nếu đặt hàng mà viết không được thì thôi chứ không làm theo kiểu trả nợ. Sự sáng tạo phải đặt lên hàng đầu".
Hoàng Dung