Tác giả Hát cho dân tôi nghe qua đời ở tuổi 81, tại Bệnh viện 175, TP HCM, sau thời gian trị bệnh, sáng 26/7. Nhiều đồng nghiệp, ca sĩ tiếc nuối một nghệ sĩ tài hoa, tấm gương sáng trong sự nghiệp sáng tác và cuộc sống.
Nhạc sĩ Đức Thịnh cho biết: "Âm nhạc của Tôn Thất Lập nhẹ nhàng, ngôn ngữ sâu sắc với cái tôi trữ tình". Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói nhắc về Tôn Thất Lập, anh nhớ lời bài hát Mưa thì thầm: "Em em ơi em em ơi cho dù có xa nhau/ Hãy để lại giọt mưa ướt quanh địa cầu/Để lại giọt nắng cháy quanh tim mình". Theo nhà thơ, âm nhạc của ông, cũng như giọt nắng rực rỡ ấy, mãi thắp lên hy vọng, tin yêu về con người, cuộc đời.
Tôn Thất Lập là một trong những nhạc sĩ đi đầu phong trào sáng tác phản chiến Hát cho đồng bào tôi nghe đầu thập niên 1960. Nhạc sĩ viết nhiều ca khúc như: Đồng lúa reo, Giao ca, Đêm hồng, Đỉnh non cao, Người đợi người. Trong đó, Hát cho dân tôi nghe được đông đảo học sinh, sinh viên biết đến:
"Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào
Hát cho đêm thiên thu lửa cháy trên trại giặc thù
Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên
Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang
Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang"
Nhạc sĩ Trương Quang Lục - 90 tuổi, tác giả ca khúc Vàm Cỏ Đông - nhớ: "Một thời, Hát cho dân tôi nghe cùng nhiều bài hát đấu tranh khác của Tôn Thất Lập hun đúc tinh thần yêu nước, đi vào tâm hồn, cuộc sống học sinh, sinh viên".
Tôn Thất Lập được cử đi tu nghiệp sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội và khi tốt nghiệp về làm công tác văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Ông sang Pháp năm 1974 để vận động Việt kiều và trí thức miền Nam. Tại Paris, Tôn Thất Lập được Hội Sinh viên Sáng tác Hải ngoại xuất bản tuyển tập Những cánh chim từ vùng lửa đỏ. Nhạc sĩ đi khắp nơi trong suốt sự nghiệp âm nhạc của ông. Bởi thế, sáng tác của Tôn Thất Lập được nhạc sĩ Đức Thịnh nhận xét đa dạng, hiện đại, đồng thời tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Tôn Thất Lập từng nói: "Âm nhạc là chiếc cầu nối trái tim của con người. Tôi nghĩ rằng qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, âm nhạc như một binh đoàn đặc chủng đã thôi thúc tập hợp những chiến sĩ nhân dân đứng lên để chiến đấu và chiến thắng".
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định nhạc sĩ Tôn Thất Lập không chỉ là người của một thời. "Tôi cho rằng nhạc của ông là một sự nghiệp trọn vẹn của đời nghệ sĩ, không chỉ phục vụ một phong trào nào".
Sau dòng nhạc tranh đấu, ông có dòng nhạc kiến thiết đất nước, tiêu biểu là ca khúc Trị An âm vang mùa xuân, hay hoài niệm về một thời hào hùng của một thế hệ cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước trong Tình anh.
Trong ba năm 1997, 1998, 1999, bài Tình anh là một trong 30 ca khúc quy định của ban tổ chức Cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP HCM, từng được nhiều thí sinh chọn dự thi. Đàm Vĩnh Hưng nhớ lần đầu gặp nhạc sĩ ở chung kết Tiếng hát Truyền hình 1998, khi đó ca sĩ hát Tình anh. "Tôi thích những bản tình ca lẫn ca khúc âm hưởng nhạc cách mạng của ông vì giai điệu nhẹ nhàng, da diết nhưng gửi gắm nhiều triết lý", Đàm Vĩnh Hưng nói.
Nhạc sĩ còn thành công với nhiều tình khúc như Mưa thì thầm, Tình anh, Tình yêu mãi mãi, Trò chơi. Giai điệu các ca khúc thường nhẹ nhàng, tươi tắn, lạc quan đúng như tâm hồn của ông. Trong bài Trò chơi, Tôn Thất Lập thể hiện sự tinh nghịch của tuổi trẻ qua những giai điệu, tiết tấu dễ nhớ, dễ thuộc: "Em ra cái kéo cắt tình vu vơ/ Anh ra phong thư gửi tình thương nhớ. Em ra cái búa đánh đòn ăn gian/ Anh ra cây kim tặng em may áo. Em ra mái tóc trói đời anh luôn/ Anh ra đôi tay vòng quanh em mãi".
Trong ký ức đồng nghiệp, Tôn Thất Lập luôn là người đi đầu, tận tình dìu dắt thế hệ sau. Thập niên 1990, nhạc sĩ tham gia nhóm Những người bạn gồm: Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên. Họ sáng tác ca khúc với mục đích nâng đỡ các ca sĩ trẻ. Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, Tôn Thất Lập kín kẽ, điềm đạm nhưng tiếng nói của ông luôn có trọng lượng.
Góp mặt trong việc gây dựng phong trào tại Nhà Nghệ thuật quần chúng TP HCM (nay là Trung tâm Văn hóa TP HCM), Tôn Thất Lập là cánh chim đầu đàn, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng sáng tác. Ông từng là trưởng đoàn đưa các ca sĩ thập niên 1990 sang lưu diễn các nước châu Âu. Nhạc sĩ hỗ trợ, truyền lửa, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với họ.
Nhiều ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Quang Dũng được ông hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Tôn Thất Lập thường nhắn nhủ với thế hệ sau: "Các bạn phải rung động cùng đất nước, thế giới. Cuộc sống, tư duy phải gắn với dân tộc, điều quan trọng nhất vẫn là tâm hồn và trái tim".
Quang Dũng cho biết may mắn nhiều lần gặp gỡ Tôn Thất Lập trong những buổi ăn trưa tại nhà của Trịnh Công Sơn. "Ông là người kín đáo, nói chuyện rất nhẹ nhàng. Khi nghe tôi hát, nhạc sĩ cùng những người bạn là Thanh Tùng, Từ Huy cùng bàn luận về âm nhạc. Nếu tôi có sai sót, họ hướng dẫn, chỉ bảo thêm. Tôi luôn trân quý con người giản dị, gần gũi của ông", ca sĩ nói.
Trong đời thường, Tôn Thất Lập có lối sống chân thành. Là hàng xóm của nhạc sĩ hơn 15 năm qua tại khu Bắc Hải, quận 10, Đàm Vĩnh Hưng cho biết ông luôn chan hòa với mọi người. Nhạc sĩ không bao giờ tỏ thái độ phân biệt ca sĩ trẻ hay ngôi sao. Ông thích đàm đạo với bạn bè thân thuộc để tìm niềm vui và được trao đổi thông tin, nhiều điều mới lạ.
Hình ảnh nhạc sĩ ôm đàn, hát đã in sâu trong tiềm thức đồng nghiệp, khán giả. Từng có thời gian trò chuyện cùng Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Lân Cường nói: "Anh ấy để lại nhiều tình cảm cho bạn bè. Anh từng tâm sự với tôi rằng: 'Niềm vui sướng nhất của người nhạc sĩ là khi mất đi nhưng những tác phẩm âm nhạc thì còn sống mãi".
Dung Vân