Hiện tại, chỉ có hai nước trên thế giới là El Salvador và Cộng hòa Trung Phi công nhận tiền số là tiền tệ hợp pháp, các nước khác không cấm, một số coi nó là tài sản hợp pháp (mua bán được bảo hộ), nhưng không có công nhận nó là "tiền".
Các nước còn lại không cấm, hoặc chỉ dừng ở mức cho nó là tài sản hợp pháp, nên nó không gọi là "tiền" được.
Khó có thể lấy một ví dụ cụ thể cho những đồng "tiền" ảo, những NFT đã giúp ích gì cho cuộc sống. Còn chuyện người này người kia giàu lên trong khi người khác lại nghèo đi thì đó không thể gọi là lợi ích cho xã hội được.
Một cái bút chì có ruột chì và một cái giống vậy nhưng không có ruột, cái nào cũng tốn tài nguyên để tạo ra, nhưng cái nào vô dụng thì ai cũng biết. Nếu làm chất đốt thì để nguyên mảnh gỗ đó mà đốt, mất công làm ra một mảnh gỗ có hình dạng đặc biệt (là cái bút chì rỗng ruột) rồi đem đốt để làm gì? Năng lượng có được chẳng bù với công sức bỏ ra, là vô dụng.
"Tiền" ảo cũng vậy, để nó ở dạng năng lượng để sản xuất kinh doanh, mã hóa nó xong rồi mua đi bán lại dưới dạng đầu cơ thì đó là đem tiền người này đi đưa cho người khác chứ đó đâu phải là tiền. Vậy chẳng phải vô dụng là gì?
"Giao dịch" hàng tỷ đôla của các loại tiền ảo là hành động đầu cơ, mua đi bán lại, tiền người này bỏ vào túi người khác chứ không sinh ra một tí lợi ích gì. Tiền phải là thứ dùng để bôi trơn cho hàng hóa lưu thông, chứ nó không phải là thứ bôi trơn cho các đồng tiền khác chạy qua chạy lại một cách vô nghĩa.
Còn việc nó thực sự ứng dụng như tiền, dùng để mua hàng hóa thì tôi cũng dám khẳng định là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ai có thể chỉ ra một doanh nghiệp nào thực sự dùng tiền đó để bán hàng chưa? Hay chỉ dừng ở mức quảng cáo? "Tiền" số được sử dụng như tiền thật thì có được bao nhiêu? Các nước công nhận đó là tiền bây giờ có bao nhiêu người giao dịch? Một số công ty hùng hồn tuyên bố bán hàng bằng Bitcoin đã bán được bao nhiêu hàng rồi?
Duy Khắc Trịnh
*Bạn có đồng tình với quan điểm trên?
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.