Do khó cách ly các ca bệnh sởi nên ông Phu cho rằng, điều quan trọng là tiêm vét như thế nào, cho trẻ dưới 2 hay 5 tuổi. Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành thống kê những trẻ chưa hoặc tiêm chưa đầy đủ để triển khai chích ngừa bổ sung theo lịch tiêm chủng hàng tháng hoặc vào một ngày riêng khác.
Bên cạnh đó, từ tháng 8 ngành y tế cũng tổ chức chiến dịch tiêm vắcxin sởi - rubella cho trẻ dưới 2 tuổi.
Theo ông Phu, dịch sởi hiện nay không bất thường, mà theo đúng chu kỳ 3-5 năm của dịch. Tỷ lệ tiêm phòng sởi của cả nước đạt cao. Nếu tiêm mũi 1 thì khoảng 85% trẻ có miễn dịch, thêm mũi 2 thì tăng lên 90%. Như vậy mỗi năm dư ra 5-10% trẻ tiêm rồi nhưng vẫn mắc, đến chu kỳ dồn lại thì thành dịch.
Thống kê từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh sởi được ghi nhận rải rác hoặc thành dịch ở 24 tỉnh, thành trên cả nước; chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Số mắc tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái; trong đó đã có 3 ca tử vong tại Hà Nội (1) và Yên Bái (2).
Nguyên nhân là do trẻ chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ hay đúng lịch. Trong khi đó, dịch bệnh có xu hướng diễn biến phức tạp vì hiện là mùa đông xuân với thời tiết lạnh thuận lợi cho sự phát triển của bệnh.
Cục trưởng Phu khuyến cáo, để phòng bệnh sởi một cách hiệu quả cha mẹ nên cho con đi tiêm ngừa theo đúng lịch: mũi 1 khi trẻ đủ 9 tháng tuổi; mũi 2 để nhắc lại khi trẻ được 18 tháng. Những trường hợp khác đã lỡ kỳ tiêm thì nên đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn. Với trẻ dưới 9 tháng, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng vì đa phần các bé vẫn còn miễn dịch từ mẹ truyền cho, lúc này nếu tiêm cũng không hiệu quả. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắcxin theo lịch thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời. |
Ông Phu cho biết, bệnh sởi ở các thành phố, đồng bằng ghi nhận rải rác, không đáng lo ngại. Tỷ lệ tiêm chủng đạt cao nên không lo bùng phát dịch lớn, tuy nhiên các tỉnh miền núi nguy cơ này rất cao. Lý do vì giáp với Trung Quốc là quốc gia đang có dịch sốt phát ban nghi sởi lưu hành. Vấn đề tiêm phòng ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng và giao thông không thuận lợi.
Điều tra nhanh các ca bệnh tại tỉnh Yên Bái cho thấy chỉ khoảng 20% được tiêm vắcxin đầy đủ. Trong khi đó bệnh sởi lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, một khi đã nhiễm virus sởi thì phát bệnh 100% nếu cơ thể chưa có miễn dịch.
Theo kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ trẻ mắc sởi trong số các trường hợp có sốt phát ban nghi sởi là rất cao (trên 70%). Do vậy, khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban; cha mẹ cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly tránh các biến chứng nguy hiểm cũng như tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Nam Phương