Trong tháng 12/2013 cả thành phố phát hiện 10 ca sởi. Như vậy, tính đến nay đã có 40 ca bệnh. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 36 phường của 9 quận. Mỗi ngày có 1-2 trường hợp mắc, ngày nhiều nhất có 6 ca.
Lứa tuổi mắc chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi - chiếm 78%; trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm gần 58%. Trường hợp nhỏ nhất là trẻ mới được 6 tháng tuổi, lớn nhất là 31 tuổi.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, 40% các ca bệnh trước đó chưa được tiêm vắcxin phòng sởi; hơn 12% trường hợp đã được tiêm một mũi trước 1 tuổi. Số còn lại chủ yếu là người lớn không rõ tiền sử tiêm chủng.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang điều tra về trường hợp tử vong của một bé 7 tháng tuổi nghi mắc sởi ở Đông Anh, Hà Nội.
Ngoài Hà Nội, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 dịch sởi cũng xuất hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc là: Sơn La (87 ca), Yên Bái (65 ca), Lào Cai (117 ca).
Sởi hay xuất hiện ở trẻ em, thường từ 6 tháng đến 5 tuổi, tỷ lệ có biến chứng là 1 trên 1.000 ca. Những người đã bị sởi một lần thì hiếm khi mắc lại do cơ thể đã có miễn dịch với bệnh. Từ khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, vắcxin sởi tỏ ra rất hiệu quả và hầu như gần đây ở nước ta không thấy trẻ bị bệnh này nữa. Tuy nhiên từ năm 2009, bệnh lại xuất hiện thành dịch ở những người trưởng thành. Đa số này chưa được tiêm ngừa và chưa từng mắc sởi; một số đã được tiêm ngừa.
Để tránh tình trạng trẻ tiêm ngừa vẫn mắc sởi, từ năm 2010, ngành y tế cũng đã triển khai tiêm nhắc lại mũi sởi cho trẻ khi đủ 18 tháng tuổi trở lên (miễn phí) thay vì khi trẻ lên 6 như trước. Trẻ được tiêm mũi sởi lần đầu khi 9-11 tháng tuổi.
Nam Phương