Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP HCM), Cố vấn cao cấp Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc viêm gan B và khoảng hơn 10% số bệnh nhân này có nguy cơ mắc ung thư gan. Bệnh viêm gan được coi là "sát thủ thầm lặng" với các triệu chứng khó phát hiện nếu không xét nghiệm máu. Đến khi phát hiện, hầu hết bệnh nhân đã ở giai đoạn mãn tính, xơ gan, xơ gan mất bù (xơ gan cổ trướng), ung thư gan... Cách để phòng viêm gan B là tiêm vaccine. Vaccine viêm gan B là giảm tỷ lệ ca mắc phải và biến chứng gây ra, nhất là ở trẻ sơ sinh trong những giờ đầu sau sinh.
Nguyên nhân, cách thức lây truyền viêm gan B
Viêm gan B gây ra do virus HBV (Hepatitis B Virus), cho đến nay, được xác định có 8 tuýp kháng nguyên khác nhau. Virus HBV có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng. Giai đoạn đầu hoạt động, virus gây bệnh viêm gan B cấp tính. Sau 6 tháng, nếu cơ thể không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan và có thể chịu nhiều gánh nặng bệnh tật suốt đời.
Viêm gan B có thể lây truyền theo nhiều con đường như lây qua đường máu, từ mẹ sang con, đường tình dục.
Lây qua đường máu
Viêm gan B có thể lây qua khi tiếp xúc với đường máu của người nhiễm bệnh bao gồm:
- Để vết thương hở tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh.
- Lây nhiễm qua việc dùng chung bàn chải đánh răng hay dao cạo râu.
- Dùng lại kim chích để xăm mình, xỏ lỗ tai hay chích ma túy.
- Dùng lại kim chích, ống chích y tế.
- Do sự cố y tế truyền máu của người nhiễm viêm gan B cho người không mắc bệnh.
Lây từ mẹ sang con
Bác sĩ Khanh chia sẻ thêm, khi thai phụ bị nhiễm virus viêm gan B, khả năng lây nhiễm viêm gan B cho thai nhi rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm tăng cao dần cùng với thời gian bé phát triển cho đến lúc trẻ ra đời. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ sơ sinh là 10% và tăng lên khoảng 60-70% ở 3 tháng cuối, có đến 50% số trẻ này có thể bị viêm gan B mãn tính, đe dọa nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.
Lây qua đường tình dục
Virus HBV có thể gây lây nhiễm cho đối phương qua các vết xước nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục nên cần quan hệ tình dục an toàn.
Những triệu chứng nhận biết viêm gan B
Viêm gan B gồm thể cấp và thể mạn tính. Ở thể cấp, các dấu hiệu có thể nhận biết dễ dàng hơn, trong khi đó, thể mãn tính diễn tiến âm thầm, dễ bị bỏ qua. Thông thường, giai đoạn nhiễm trùng cấp tính, viêm gan B không xuất hiện triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên, trên thực tế đã ghi nhận một số trường hợp trải qua giai đoạn cấp tính với các triệu chứng kéo dài vài tuần như vàng da và mắt (bệnh vàng da), nước tiểu đậm màu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và đau bụng.
Theo bác sĩ Khanh, ở thể mãn tính, cách phát hiện duy nhất là xét nghiệm máu. Người bệnh sẽ có triệu chứng như mệt mỏi, đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da vàng, mắt vàng do virus tấn công vào gan khiến gan to, xơ, men gan tăng cao, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư gan. Mặc dù vậy, một số trường hợp vẫn không có triệu chứng, chỉ phát hiện khi đi kiểm tra sức khoẻ.
Biến chứng của bệnh viêm gan B
Ngay sau khi vào cơ thể, virus HBV bắt đầu hoạt động, bám vào bề mặt gan, phá hủy và làm rối loạn hoạt động của tế bào gan, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Suy giảm chức năng gan: virus HBV phá hủy tế bào từ bên trong, gây tổn thương gan và làm suy giảm các chức năng gan như thải độc, lọc máu, chuyển hóa chất, tổng hợp chất...
- Gan nhiễm mỡ: quá trình phân giải Triglyceride ở gan bị suy giảm, khiến cho chất béo không được chuyển hóa mà tích tụ lại gây gan nhiễm mỡ.
- Xơ gan: trong vòng 20 năm hoặc sớm hơn, viêm gan B nếu không điều trị sẽ thành xơ gan, ngăn chặn dòng máu đi qua gan, làm suy giảm trầm trọng chức năng gan.
- Ung thư gan: viêm gan B làm tăng sinh tế bào gan ác tính, sau 10 năm hoặc sớm hơn có thể tiến triển thành ung thư gan.
Cách điều trị viêm gan B
Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị viêm gan B triệt để. Cách điều trị tốt nhất chỉ dừng lại ở mức kiểm soát và ức chế sự phát triển của virus HBV nhằm ngăn ngừa tái phát những biến chứng và phục hồi các chức năng gan. Việc điều trị virus viêm gan B phụ thuộc vào thể trạng virus gây bệnh, tình trạng bệnh cũng như tiền sử bệnh.
Với thể trạng người mang virus viêm gan B nhưng virus không hoạt động, người bệnh không cần dùng thuốc điều trị mà chỉ cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, khoa học, theo dõi sức khỏe định kỳ. Với thể trạng người mang virus hoạt động, điều trị cần tuân theo phác đồ của bác sĩ. Do ở thể trạng này, nếu không có biện pháp phòng ngừa và điều trị, bệnh có khả năng dẫn tới xơ gan, ung thư gan... Việc điều trị viêm gan B mạn tính cần bệnh nhân phải kiên trì trong thời gian dài.
Cách phòng ngừa viêm gan B
Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC, viêm gan B là bệnh nguy hiểm ở cả trẻ em và người lớn, cho đến nay, tiêm vaccine vẫn được coi là phương pháp phòng tránh bệnh hiệu quả. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vaccine phòng viêm gan B nên tiêm ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, sau đó phác đồ của vaccine viêm gan B sẽ theo vaccine viêm gan B đơn hoặc thành phần vaccine viêm gan B có trong các mũi vaccine phối hợp.
Người lớn cần làm các xét nghiệm HBsAg và anti-HBs (HBsAb) để biết đã bị nhiễm virus viêm gan B hay trong cơ thể đã có kháng thể kháng virus viêm gan B hay chưa. Nếu kết quả là HBsAg âm tính cần phải tiêm phòng vaccine càng sớm càng tốt.
Lịch tiêm vaccine viêm gan B dành cho trẻ em:
Tên vaccine | Vaccine Infanrix Hexa (Bỉ)/ Hexaxim (Pháp) | Vaccine Engerix B (Bỉ) 0,5ml | Vaccine Euvax B (Hàn Quốc) 0,5ml | Vaccine Twinrix (Bỉ) |
Phòng bệnh | Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do HIB | Viêm gan B | Viêm gan A +B | |
Đối tượng | Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi | Trẻ sơ sinh đến 19 tuổi | Trẻ sơ sinh đến 15 tuổi | Trẻ em từ 1 tuổi trở lên chưa miễn dịch, những người có nguy cơ nhiễm cả viêm gan A và viêm gan B... |
Lịch tiêm | 3 mũi: khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi.
Mũi thứ 4 nhắc lại khi trẻ được 16-18 tháng tuổi. |
Mũi 1: lần đầu đến tiêm. Hoặc Mũi 1: lần tiêm đầu tiên |
Mũi 1: lần đầu đến tiêm.
Mũi 2: sau mũi đầu tiên 6-12 tháng. |
Lịch tiêm vaccine viêm gan B dành cho người lớn:
Vaccine |
Vaccine Engerix B (Bỉ) 1ml | Vaccine Euvax B (Hàn Quốc) 1ml | Vắc xin Twinrix (Bỉ) |
Lịch tiêm |
Tiêm 3 mũi: Hoặc Mũi 1: lần tiêm đầu tiên |
Tiêm 3 mũi:
Mũi 1: lần tiêm đầu tiên. Mũi 2: cách liều đầu tiên 1 tháng. Mũi 3: cách liều thứ 2 tối thiểu 5 tháng |
Ngọc An