Bà Bùi Thanh Duyên là tiến sĩ ngành Di truyền học và Sinh học phân tử tại Đại học Cornell (Mỹ); từng có thời gian nghiên cứu tại khoa Miễn dịch học, Đại học California. Bà là một trong những người thành lập công ty giải mã gen Gene Friend Way và đứng sau chip giải mã gen, chuyên sâu dành riêng cho người châu Á.
Dưới đây là chia sẻ của Tiến sĩ Thanh Duyên về tiềm năng, thách thức khi phát triển công nghệ giải mã gen tại thị trường Việt Nam.
- Lợi ích của công nghệ giải mã gen là gì thưa bà?
- Tại Việt Nam, nhiều người vẫn nghĩ công nghệ giải mã gen dựa trên ADN giúp xác định nguồn gốc, huyết thống. Song giải mã gen có thể cho chúng ta cái nhìn toàn diện về bản thân không chỉ huyết thống mà còn nhu cầu dinh dưỡng cụ thể, khám phá tiềm năng, nhu cầu của hệ miễn dịch, phát hiện nguy cơ ung thư, đột quỵ, tiểu đường... Ứng dụng của giải mã gen vào cuộc sống là đề tài rất lớn. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà quy trình giải mã cần công nghệ, trang thiết bị tiên tiến và đội ngũ khoa học.
Báo cáo giải mã gen đạt tiêu chuẩn sẽ giúp người dùng hiểu bản thân hơn, từ đó cá nhân hóa chế độ dinh dưỡng, chăm sóc và giáo dục phù hợp. Hình thức xét nghiệm đơn giản chỉ với một mẫu nước bọt thay vì xét nghiệm máu. Trong trường hợp cần sự kết hợp điều trị, tư vấn của bác sĩ tại các bệnh viện ngoài nước, báo cáo sẽ được chấp nhận và là cơ sở tham chiếu đắc lực cho bác sĩ chẩn đoán.
- Bà nhận định như thế nào về tiềm năng của công nghệ này ở Việt Nam?
- Giải mã gen không phải là công nghệ xa lạ trên thế giới nhưng ở quốc gia đang phát triển như Việt Nam để phổ biến công nghệ này không phải là câu chuyện ngắn hạn. Nhưng đây là thị trường đầy tiềm năng.
Phần lớn phụ huynh Việt đều xem trọng giáo dục cho con cái khi dành gần một nửa mức chi tiêu trong gia đình (khoảng 47%) cho việc học tập. Giải mã gen góp phần giúp cha mẹ nuôi dạy con khoa học, thấu hiểu tiềm năng và tố chất để phát triển trẻ theo đúng sở trường. Bởi vì mỗi đứa trẻ là cá thể khác biệt, trẻ có thể vận dụng, phát huy tối ưu tiềm năng nếu được phát hiện và nuôi dưỡng đúng cách. Tôi cần nhấn mạnh giải mã gen không phải là chiếc vòng kìm kẹp trẻ mà là bảng hướng dẫn để khai mở tiềm năng.
Có câu nói mà tôi tâm đắc là: "Một hệ thống giáo dục dựa trên tính di truyền sẽ trân trọng, khuyến khích sự đa dạng, giúp mỗi đứa trẻ trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của chính mình và có thể đóng góp cho xã hội".
Ngày nay, nhiều cha mẹ hiện đại bắt đầu tiếp nhận các phương pháp khoa học nhằm giáo dục, chăm sóc con cái. Họ biết đến giải mã gen thông qua phương tiện truyền thông ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Hong Kong... Nhu cầu giải mã gen tại thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng rất lớn. Quan trọng là họ tìm được nơi cung cấp dịch vụ chất lượng.
- Theo bà, thách thức lớn nhất khi phát triển công nghệ giải mã gen ở Việt Nam là gì?
- Dịch vụ về gen tại Việt Nam chỉ thực sự được chú ý từ 2 năm trở lại đây. Các giải pháp gen vẫn còn quá mới với thị trường trong nước nên nhiều người chưa biết đến hoặc chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giải mã gen, nhất là tiêu chí đánh giá cho dịch vụ xét nghiệm gen chất lượng. Các tiêu chí như số lượng gen được test, tiêu chuẩn phòng thí nghiệm, công nghệ giải mã, đội ngũ nhà khoa học và chuyên viên tư vấn di truyền kinh nghiệm, tiêu chuẩn bảo mật... Nhưng chúng tôi khá may mắn vì được sự mở đường của các cơ quan, chính phủ và sự giúp đỡ của nhiều công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam.
- Nhờ bà chia sẻ thêm về dự định sắp tới trong lĩnh vực giải mã gen?
- Chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu giải mã gen cho người châu Á. Đây sẽ là cơ sở để đóng góp hệ gen của người Việt vào bản đồ gen thế giới. Bản đồ gen của người Việt có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra cơ sở dữ liệu cho các nghiên cứu chữa bệnh nan y, ung thư... hướng đến xu hướng y học chuẩn xác và cá nhân đang diễn ra trên thế giới. Chúng tôi đang tiến hành xây dựng một trong những phòng thí nghiệm hướng theo tiêu chuẩn CAP, CLIA đầu tiên tại Việt Nam và trung tâm giải mã gen của châu Á.
Ngọc An