Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế tổ chức tuyên truyền về an toàn tiêm chủng để phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất nguy hại đến sức khỏe và tính mạng trẻ em bị phản ứng sau tiêm chủng. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền đối với việc cấp kinh phí để tiếp tục sử dụng các văcxin trong tiêm chủng mở rộng, nghiên cứu sản xuất văcxin trong nước; phát triển hệ thống y tế dự phòng.
Ngoài ra, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ nghiên cứu báo cáo Thủ tướng về sản xuất văcxin 6 trong 1 của Việt Nam cung cấp cho tiêm chủng mở rộng.
Đầu tháng 5, Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng văcxin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi có 5 trẻ tử vong sau tiêm chủng, trong đó 4 ca được kết luận không do văcxin. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo kết quả kiểm nghiệm các lô văcxin Việt Nam gửi đến kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Văcxin Quinvaxem được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ. Từ đó đến nay đã có 43 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Kết quả đánh giá độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, trong số này 27 ca tử vong không liên quan đến tiêm chủng. Có 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến tiêm văcxin nhưng đều hồi phục. Các ca còn lại là không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng văcxin.
Văcxin Quinvaxem ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi, được Tổ chức Y tế Thế giới tiền kiểm định về chất lượng. Khi nhập về Việt Nam, văcxin này lại được Viện Kiểm định quốc gia văcxin và sinh phẩm y tế tái kiểm định. Nó cũng trải qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và giai đoạn 3 trên trẻ Việt Nam. Văcxin đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số hơn 400 triệu liều.
Nam Phương