Tên lửa Meteor bắn thử từ tiêm kích Typhoon
Tiêm kích đa nhiệm Eurofighter Typhoon của không quân Anh (RAF) dự kiến được trang bị tên lửa đối không tầm xa MBDA Meteor. Loại tên lửa này sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet), được cho là vũ khí đánh chặn trên không mạnh nhất của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là nỗi kinh hoàng của bất cứ loại máy bay nào của đối phương, theo National Interest.
Chuyên gia quân sự Dave Majumdar cho rằng việc tích hợp Meteor sẽ tăng cường đáng kể khả năng tác chiến không đối không cho Typhoon. Khi kết hợp với tiêm kích hiện đại này, tên lửa Meteor sẽ có tầm bắn 100-300 km, cùng hệ dẫn đường radar cải tiến. Chìa khóa giúp Meteor sở hữu phạm vi tấn công xa là công nghệ động cơ ramjet với cơ chế tiêu thụ nhiên liệu thông minh dựa trên tầm bắn được lập trình.
Tên lửa Meteor do tập đoàn MBDA phát triển, biên chế đầu tiên cho không quân Thụy Điển vào năm ngoái. Hầu hết thông số kỹ chiến thuật của loại tên lửa này vẫn được giữ bí mật, chỉ có nguyên lý hoạt động của động cơ ramjet được hé lộ.

Tên lửa Meteor được trang bị trên tiêm kích Jas 39 Gripen Thụy Điển. Ảnh: Blogspot.
Tầng đẩy nhiên liệu rắn tăng tốc cho Meteor sau khi phóng, giống hầu hết các loại tên lửa đối không khác. Sau đó, nó mở cửa hút gió để đưa không khí vào động cơ, giúp quả đạn đạt tốc độ 4.900 km/h. Không những vậy, Meteor có thể điều chỉnh lượng oxy tiêu thụ, bảo toàn năng lượng trong hành trình. Nó chỉ hút nhiều không khí ở giai đoạn cuối trước khi lao vào mục tiêu.
Tầm bắn tối đa của Meteor vẫn là dấu hỏi lớn. MBDA không công khai tính năng cụ thể về vũ khí, đặc biệt là công nghệ ramjet tối tân. Nga và Trung Quốc đang phát triển biến thể tên lửa đối không của riêng mình để đối phó với Meteor. Trước đó, Nga chỉ trang bị công nghệ ramjet cho các loại tên lửa đối đất/đối hạm như Kh-31, hay dòng P-800 Onyx.
Ngoài ưu thế tốc độ và tầm bắn, Meteor có thể kết nối dữ liệu tới chiến đấu cơ và các cảm biến tầm xa hơn, uy lực hơn trên máy bay cảnh báo sớm. Nó dự kiến được trang bị trên chiến đấu cơ Typhoon, Rafale và F-35 của Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp.

Một quả đạn Meteor được trưng bày ở triển lãm. Ảnh: MBDA.
Để phát huy tối đa tính năng tên lửa Meteor, RAF hy vọng sẽ trang bị radar mảng pha điện tử chủ động CAPTOR-E mới trên tiêm kích Typhoon vào năm 2021. Tiêm kích Typhoon vẫn có thể vận hành tên lửa này với radar đời cũ, nhưng không thể khai thác hết mọi tính năng của nó.
Chiến đấu cơ Typhoon ban đầu được tối ưu hóa cho vai trò chiếm ưu thế trên không, nhưng vẫn có khả năng tung đòn tấn công đối đất uy lực. RAF biên chế Typhoon nhằm thay thế tiêm kích đánh chặn Panavia Tornado F.3 và tiêm kích bom Tornado GR.4.
Duy Sơn