Tiêm kích PAK-FA biểu diễn tại triển lãm MAKS-2017
Dự án tiêm kích tàng hình PAK-FA của Nga vừa kết thúc giai đoạn bay thử nghiệm đầu tiên và dự kiến hoàn tất quá trình phát triển vào năm 2019. Tuy nhiên, phiên bản hiện tại của PAK-FA có thể chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế, vấn đề từng xuất hiện với tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ, theo National Interest.
Chủ tịch Tập đoàn máy bay thống nhất Nga (UAC) Yuri Slyusar cho biết do mẫu động cơ cho tiêm kích thế hệ 5 chưa được hoàn thiện, lô tiêm kích PAK-FA đầu tiên bàn giao cho không quân Nga chỉ được chế tạo với số lượng 12 chiếc.
"Điều đó cho thấy PAK-FA sẽ được sản xuất với số lượng hạn chế từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình mua sắm vũ khí quốc gia giai đoạn 2018-2025 của Nga", Michael Kofman, chuyên gia nghiên cứu quân đội Nga tại Trung tâm Phân tích hải quân Mỹ (CNA), nhận định.
Một vấn đề nữa khiến Nga có thể phải hạn chế số lượng PAK-FA là kinh phí. Dù có uy lực và tiềm năng lớn, tiêm kích tàng hình này có đơn giá ước tính lên tới hơn 100 triệu USD/chiếc. Đây là điều từng xảy ra với dự án F-22 của Mỹ. Quân đội Mỹ dự định mua tới 750 máy bay tàng hình thuộc dự án này, nhưng chỉ có 187 tiêm kích được sản xuất và đưa vào biên chế với đơn giá 150 triệu USD/chiếc.
Số lượng máy bay tàng hình quá ít ỏi có thể khiến không quân Nga khó giành được ưu thế rõ rệt trong không chiến. Bên cạnh đó, việc này cũng khiến chi phí sản xuất mỗi chiếc tiêm kích tăng vọt. Nga sẽ phải tìm kiếm khách hàng nước ngoài để có chi phí duy trì dây chuyền sản xuất hàng loạt.
Những điều này sẽ giới hạn khả năng chiến đấu của PAK-FA, khiến nó chỉ có thể thực hiện một số nhiệm vụ mũi nhọn. Không quân Nga vẫn sẽ phải dựa vào lực lượng chủ lực gồm các tiêm kích thế hệ 4 và 4,5 trong những năm tới, theo Kofman.
Việt Hòa