Sự cố xảy ra vào sáng ngày 11/4 tại căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản. Hình ảnh được truyền thông địa phương công bố cho thấy tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ đang được kéo đi trên đường băng với phần mũi chúi xuống đất.
Giới chức Mỹ, Nhật Bản chưa đưa ra bình luận, song chuyên gia quân sự David Cenciotti của Aviationist cho rằng phi cơ dường như đã bị sập càng, có thể gặp sự cố trong lúc hạ cánh.
Xe cứu hỏa và một số phương tiện khác đã được điều tới hiện trường, nhưng không có dấu hiệu xảy ra hỏa hoạn. Hiện chưa rõ thiệt hại sau sự cố.
F-22 Raptor là mẫu tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ, có chiều dài 19 mét, sải cánh 13 mét, trần bay 15 km, vận tốc tối đa Mach 2 (2.496 km/h), có tầm hoạt động gần 3.000 km khi mang theo hai thùng dầu phụ và xa hơn khi được tiếp liệu trên không.
Không quân Mỹ hiện vận hành tổng cộng 183 tiêm kích F-22, nhưng chỉ có 125 chiếc đủ khả năng chiến đấu. Mỗi chiếc có giá xuất xưởng khoảng gần 180 triệu USD, chưa kèm vũ khí trang bị.
Đây không phải lần đầu tiên mẫu tiêm kích này gặp vấn đề về càng đáp. Tháng 3/2022, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh máy bay F-22 chúi mũi xuống đất ở căn cứ không quân Eglin tại bang Florida, Mỹ, sau khi gặp vấn đề ở bộ phận càng đáp. Giới chức Mỹ sau đó xác nhận sự cố xảy ra trong lúc chiếc tiêm kích đang hạ cánh.
Trước đó một năm, một chiếc F-22 Raptor của Không đoàn Tiêm kích số 325 Mỹ gặp sự cố khẩn cấp trong khi bay và đã hạ cánh an toàn xuống căn cứ Eglin, song bị sập càng trước.
Bộ tư lệnh Tác chiến Đường không thuộc không quân Mỹ năm 2021 tiến hành kiểm tra toàn bộ phi đội F-22 ở căn cứ Eglin và 10% chiến đấu cơ F-22 ở các căn cứ khác, kết luận ít nhất 1/5 máy bay có trục trặc với càng đáp do lắp đặt sai quy cách.
Ngoài F-22, một số mẫu tiêm kích khác của Mỹ cũng từng gặp vấn đề tương tự. Hồi cuối tháng 1, tiêm kích tàng hình F-35C thuộc biên chế Phi đoàn Tấn công Thủy quân lục chiến (VMFA) bị sập càng, chúi mũi xuống nền nhà chứa máy bay tại căn cứ quân sự Fallon ở bang Nevada.
Phạm Giang (Theo Aviationist, ASF, TWZ)