Bộ Quốc phòng Nga hôm 19/11 công bố video thử nghiệm máy bay Su-57 được quay ở Syria hồi đầu năm. Trong video, những chiếc Su-57 cất hạ cánh từ căn cứ không quân Hmeymim, thực hiện nhiều chuyến bay trên không phận Syria. Hai máy bay đều không lắp khí tài bên ngoài, nhưng không rõ có mang vũ khí giấu trong thân hay không.
Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ biên đội Su-57 đã hoàn thành thử nghiệm hệ thống điều khiển, cảm biến và vũ khí trang bị trong khí hậu khô nóng khắc nghiệt tại Syria, nhưng không nêu rõ hoạt động cụ thể của chúng. Giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng Moskva có thể đã sử dụng những tiêm kích tàng hình tối tân này cho một số đợt không kích phiến quân ở Syria bằng vũ khí chính xác, theo Drive.
"Trong video, máy bay không mang bom hay tên lửa bên ngoài thân, cũng không có đoạn không kích nào, nhưng có khả năng nó đã sử dụng các vũ khí được giấu trong thân để tấn công vị trí phiến quân Syria", nhà phân tích Joseph Trevithick nhận xét.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi cuối tháng 5 công bố video tiêm kích Su-57 phóng tên lửa hành trình đối đất Kh-59MK2, cho biết cuộc thử nghiệm diễn ra vào tháng 2. Thông tin này được đưa ra trong cuộc họp báo về hoạt động đánh giá vũ khí Nga trên chiến trường Syria, nhưng Shoigu không xác nhận liệu vụ phóng tên lửa này có diễn ra trên bầu trời Syria hay không.
Trong video hồi tháng 5, quả tên lửa thử nghiệm được sơn màu đỏ, cho thấy đây là vũ khí có đầy đủ tính năng kỹ chiến thuật nhưng không trang bị đầu đạn chiến đấu. Tên lửa Kh-59MK2 được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar, có thiết kế module và khung vỏ hình chữ nhật, giúp giảm diện tích phản xạ radar và cho phép quả đạn nằm gọn trong khoang vũ khí trong thân Su-57.
"Nếu mục đích chính của đợt thử nghiệm là kiểm tra tính năng của Su-57 và Kh-59MK2 với mục tiêu thực tế, nó sẽ giải thích được lý do Nga chỉ triển khai biên đội tiêm kích tàng hình tới Syria trong hai ngày. Họ khó lòng thu được lượng lớn dữ liệu về đặc tính kỹ chiến thuật chung của máy bay với thời gian ngắn như vậy", Trevithick nhận định.
Kh-59MK2 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với định vị toàn cầu trong giai đoạn bay hành trình. Tên lửa còn được trang bị đầu dò hồng ngoại để bám bắt mục tiêu trong quá trình tiếp cận, giúp nó đánh trúng cả những mục tiêu đang di chuyển hoặc đổi hướng tấn công trong thời gian thực.
Tên lửa Kh-59MK2 giúp những chiếc Su-57 tấn công chính xác mục tiêu ở tầm xa, trong khi vẫn duy trì khả năng tàng hình do chúng được giấu kín trong khoang tàng hình bên trong thân, không phải treo ở mấu cứng dưới cánh. Việc tên lửa sử dụng đầu dò hồng ngoại cũng khiến tàu chiến trở thành mục tiêu tiềm tàng với những đòn đánh từ tiêm kích hiện đại này.
Một lý do khác khiến Nga phải rút ngắn chuyến thử nghiệm Su-57 tại Syria là vấn đề an ninh. Sân bay Hmeymim, nơi đóng quân của hai chiếc Su-57, từng nhiều lần bị phiến quân Syria tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát. Lực lượng phòng không Nga đã chặn đợt tấn công quy mô lớn bằng 13 UAV hồi đầu tháng 1/2018, chỉ hơn một tháng trước khi những chiếc Su-57 hạ cánh xuống đây.
Kích thước và địa hình sân bay Hmeymim buộc Nga đậu các máy bay sát nhau, tăng nguy cơ thiệt hại dây chuyền nếu một chiếc bị phá hủy. Điều này khiến họ phải đặt tiêm kích Su-57 trong khu vực có hàng rào bao kín, tránh bị ảnh hưởng từ những đợt tấn công của phiến quân.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích và Nghiên cứu công nghệ Nga (CAST) cho rằng dù chỉ triển khai Su-57 tới Syria trong thời gian ngắn, Nga vẫn có thể thu thập được nhiều dữ liệu để phát hiện các điểm yếu tiềm ẩn trong thiết kế máy bay, từ đó áp dụng những thay đổi cần thiết để tăng uy lực cho khí tài này, cũng như tăng sức hấp dẫn cho Su-57 trên thị trường xuất khẩu.
Su-57 là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 được Moskva phát triển để cạnh tranh với đối thủ F-22, F-35 của Washington. Tuy nhiên, Nga mới chỉ sở hữu một số tiêm kích Su-57 thử nghiệm và đặt hàng hạn chế với số lượng 12 chiếc. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định sẽ không sản xuất hàng loạt mẫu tiêm kích này.