Ảnh vệ tinh thương mại chụp sân bay quốc tế Bandar Abbas ở tây nam Iran hôm 19/2 và được công bố ngày 24/2 cho thấy tiêm kích tàng hình Su-57 và vận tải cơ Il-76 Nga ở bãi đỗ máy bay, gần đó là hai phi cơ săn ngầm P-3F Orion của không quân Iran.
Ảnh chụp sau đó hai ngày cho thấy các phi cơ Nga vẫn nằm tại căn cứ Bandar Abbas. Đến ngày 23/2, chỉ còn hai chiếc P-3F trong ảnh vệ tinh.
Video được đăng trên mạng xã hội hôm 20/2 cho thấy tiêm kích Su-57 lăn bánh rời bãi đỗ và cất cánh. Máy bay nhào lộn trong lúc tăng độ cao, dường như là động tác chào tạm biệt, khiến những người theo dõi hò reo và vỗ tay.

Tiêm kích Su-57 và vận tải cơ Il-76 Nga (phải) tại căn cứ Bandar Abbas trong ảnh chụp ngày 19/2. Ảnh: Maxar
"Chiếc Su-57 hạ cánh xuống căn cứ Bandar Abbas trên đường từ Ấn Độ về nước sau triển lãm hàng không Aero India 2025. Đây là lần đầu dòng chiến đấu cơ tối tân của Nga xuất hiện tại Iran", biên tập viên Joseph Trevithick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone cho biết.
Các căn cứ Iran từng đón tiếp máy bay quân sự Nga trên hành trình đến làm nhiệm vụ tại Syria. Căn cứ Bandar Abbas là điểm trung chuyển phù hợp cho chiếc Su-57, nhờ vị trí nằm giữa thành phố Bengaluru của Ấn Độ, nơi tổ chức triển lãm Aero India 2025, với trung tâm thử nghiệm của không quân Nga tại căn cứ Akhtubinsk.
"Su-57 đáp xuống Iran trong lúc diễn ra các cuộc thảo luận về tương lai của mẫu tiêm kích tàng hình trên thị trường quốc tế, sau khi Algeria trở thành quốc gia đầu tiên đặt mua phi cơ này. Thương vụ với Algeria dường như là cú hích lớn với Su-57 khi quân đội Nga chưa biên chế số lượng lớn tiêm kích này", Trevithick nhận xét.
Biên tập viên Mỹ cho rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga tận dụng dịp này để phô diễn máy bay Su-57 với các quan chức Iran, đồng thời bày tỏ hoài nghi về khả năng Tehran đặt mua tiêm kích tàng hình của Moskva.
Tiêm kích Su-57 Nga tại căn cứ Bandar Abbas trong video quay ngày 20/1. Video: X/MehdiH
Su-57 là tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Nga, được thiết kế để cạnh tranh với dòng F-22, F-35 Mỹ và J-20 Trung Quốc. Su-57 được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar và có thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử.
Bộ Quốc phòng Nga đặt mua tổng cộng 76 chiếc Su-57 và đã tiếp nhận gần một nửa trong số này. Nga từng hai lần triển khai Su-57 tới Syria vào cuối năm 2018 và tháng 12/2019 để thử nghiệm tác chiến thực tế.
Tiêm kích Su-57 bắt đầu tham chiến ở Ukraine khoảng 2-3 tuần sau khi xung đột bùng phát. Không quân Nga cũng thử nghiệm nhiều loại vũ khí đối đất được phát triển riêng cho mẫu tiêm kích tàng hình này, trong đó có tên lửa hành trình chiến thuật Kh-69 được truyền thông Ukraine mô tả là "đáng sợ hơn tên lửa siêu vượt âm Kinzhal".
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AP, AFP)