Màn biểu diễn được tổ chức chiều 28/4 khi 12 tiêm kích của đội biểu diễn Blue Angels và Thunderbirds bay lượn trên thành phố New York trong 40 phút. Các phi cơ chia làm hai biên đội hình tam giác và phun khói, tạo hình giống như hai mũi tên đang lao qua bầu trời.
"Chúng tôi rất vinh dự khi có cơ hội tri ân những người đang làm việc ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, chúng tôi ngưỡng mộ trước sức mạnh và sự bền bỉ của các bạn", trung tá Brian Kesselring, chỉ huy đội bay Blue Angels, phát biểu trước sự kiện.
Nhiều người dân đã đổ ra đường phố và bến cảng New York để theo dõi màn biểu diễn của hai phi đội. Phần lớn người New York tỏ ra vui mừng trước màn tri ân này, nhưng một số cho rằng chi phí tổ chức các chuyến bay nên dành để mua trang thiết bị bảo hộ cho y bác sĩ.
Đây là chuyến bay đầu tiên trong Chiến dịch America Strong (Nước Mỹ Hùng mạnh), chương trình biểu diễn kéo dài hai tuần được quân đội Mỹ triển khai nhằm tôn vinh nhân viên y tế và những lực lượng quan trọng trong đại dịch. Hoạt động này được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 23/4.
Được hải quân Mỹ thành lập năm 1946, Blue Angels là đội biểu diễn lâu đời thứ hai thế giới. Tiêm kích F/A-18C/D Hornet của Blue Angels được chỉnh sửa đặc biệt, không giống phiên bản trong biên chế chiến đấu. Chúng được tháo toàn bộ radar và hệ thống kiểm soát hỏa lực, trong khi tay lái được gắn lò xo để tăng độ nặng, giúp phi công điều khiển máy bay chính xác hơn so với thông thường.
Thunderbirds được không quân Mỹ thành lập năm 1953, là đội bay biểu diễn lâu đời thứ ba thế giới, chỉ sau Patrouille de France của Pháp và Blue Angels. Họ sử dụng tiêm kích F-16C/D được bỏ pháo 20 mm và thay bằng thiết bị tạo khói, cùng một số chỉnh sửa nhỏ để bảo đảm an toàn cho khán giả trên mặt đất. Phi cơ của Thunderbirds có thể trở lại biên chế chiến đấu trong thời gian ngắn nếu cần thiết.
Cả hai đội bay thường thực hiện các động tác cơ động khó, ít được áp dụng trong chiến đấu và rất hiếm khi cùng biểu diễn.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3,1 triệu ca nhiễm và gần 217.000 người chết. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn một triệu người nhiễm và hơn 58.000 ca tử vong.
Vũ Anh (Theo AFP)